Nhạc sĩ 8X Tạ Duy Tuấn: “Nhiều bạn trẻ xúc động khi nghe các ca khúc về Bác Hồ do tôi sáng tác”

Last updated: May 19, 2024 at 12:29 pm - Lượt Views: 16 views

  • Điều đặc biệt về Thiên Lôi cao 1,8m, nặng 90kg ở Táo Quân
  • Đạo diễn Táo Quân 2025 đóng “Lấy danh nghĩa người nhà” bản Việt
  • Trước ngày tuyên án cựu Bộ trưởng Mai Tiến Dũng và các bị cáo: Những điểm đáng chú ý trong vụ Sài Gòn Đại Ninh

  • Bên cạnh các nhạc sĩ lớn tuổi, có không ít nhạc sĩ trẻ miệt mài sáng tác về Bác Hồ với tình yêu, lòng thành kính và sự ngưỡng mộ. Nổi bật trong số đó là Trung tá, nhạc sĩ 8X Tạ Duy Tuấn (Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội) với các ca khúc, như: “Chúng em yêu Bác Hồ Chí Minh” (Giải A Giải thưởng âm nhạc Việt Nam năm 2022 của Hội Nhạc sĩ Việt Nam), “Có Đảng sáng soi vững bước ta đi”, “Bản làng em nhớ ơn Người”…

    Nhân dịp sinh nhật lần 134 của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 -19/5/2024), phóng viên Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với nam nhạc sĩ tài năng này.

    Nhạc sĩ 8X Tạ Duy Tuấn: "Nhiều bạn trẻ xúc động khi nghe các ca khúc về Bác Hồ do tôi sáng tác"- Ảnh 1.

    Trung tá, nhạc sĩ Tạ Duy Tuấn. (Ảnh: NVCC)

    Xin chào nhạc sĩ Tạ Duy Tuấn, được biết, anh là tác giả của rất nhiều ca khúc về Bác, về Đảng. Anh có thể chia sẻ lý do tại sao mình lại gắn bó với đề tài này?

    – Ông nội tôi là Nhà giáo Ưu tú Tạ Tấn (tên thật là Tạ Duy Thái), một trong những người sáng lập Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Bố mẹ của tôi là những nghệ sĩ của Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị (nay là Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội). Nhờ có Đảng, có Bác Hồ mà đất nước mới có được ngày hôm nay, gia đình tôi mới được theo âm nhạc. Hơn nữa, tôi nhớ bố tôi từng kể, sinh thời ông của tôi đã chơi đàn cho Bác Hồ xem và đó là niềm tự hào mà con cháu cụ Tạ Tấn luôn mang theo mình.

    Tính đến nay, tôi đã có gần 20 năm khoác áo lính, là một nghệ sĩ – chiến sĩ của Quân đội. Dù cho sáng tác âm nhạc có lúc bay bổng, lãng mạn nhưng tôi vẫn luôn giữ phép tắc nhất định, bởi tôi luôn hiểu rằng mình là một người lính. Sáng tác về Đảng, về Bác Hồ chính là sự thôi thúc trong con tim của tôi. Có thể khẳng định những ca khúc về Đảng, về Bác Hồ của các nhạc sĩ Thuận Yến, Phạm Tuyên, Trần Kiết Tường, Hoàng Long – Hoàng Lân, Dân Huyền, Nguyễn Đăng Nước… rất hay, rất cảm xúc nhưng là một người nhạc sĩ, tôi muốn khán giả được thưởng thức những ca khúc mới, mà ở đó hơi thở, nhịp đập của cuộc sống đương đại được thể hiện rất rõ.

    Vậy cụ thể hơi thở, nhịp đập của cuộc sống đã được anh thể hiện như thế nào trong những ca khúc về Đảng, về Bác Hồ, thưa anh?

    – Tôi xin mượn lời của NSND Thu Hiền – người có rất nhiều thành công trong biểu diễn những ca khúc về Bác Hồ – nhận xét khi nghe ca khúc Chúng em yêu Bác Hồ Chí Minh của tôi: “Giữa những ca khúc về Bác Hồ mang dấu ấn của các nhạc sĩ tên tuổi thì Chúng em yêu Bác Hồ Chí Minh là một sự mới lạ mang sức sống tuổi trẻ hiện giờ. Nghe tác phẩm mới này, chúng ta có thể cảm nhận được rằng, có một thế hệ mới viết về Bác Hồ rất hay”.

    Hay trong ca khúc Bản làng em nhớ ơn Người – được sáng tác đúng dịp kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023) và ra mắt MV đúng dịp kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 -3/2/2024), tôi đã liên tưởng đến những em nhỏ ở vùng núi phía Bắc hân hoan đến trường trong tiếng suối róc rách, tiếng chim hót vang, lòng ghi nhớ công ơn trời bể của Người: “Đàn ai ngân nga bên suối róc rách nước chảy mây trôi/ Tính tang tang tính tình tinh tang hát vang lời ca ơn Người/ Có Bác kính yêu dáng người thanh thanh râu tóc bạc phơ/ Vầng trán Bác cao cao ánh mắt yêu thương trìu mến…”. Ca khúc Bản làng em nhớ ơn Người được xây dựng với giai điệu hấp dẫn, lôi cuốn và bắt tai, dựa trên nét âm hưởng của dân tộc Mông, Tày, Nùng, pha trộn giữa sáo Mèo và đàn môi.

    Nhân dịp kỷ niệm 92 năm thành lập Đảng (3/2/1930 – 3/2/2022), tôi đã cho ra mắt MV Có Đảng sáng soi vững bước ta đi được nhiều người đánh giá là một sản phẩm hiện đại cả về phần âm nhạc lẫn hình ảnh, thể hiện tình yêu nước bằng cách riêng của người trẻ. MV ra đời khi đất nước vừa chống chọi thành công với đại dịch Covid-19 đã lan tỏa năng lượng tích cực đến với nhiều người.

    Ngoài ra, tôi còn có một số ca khúc khác ca ngợi Bác, như: Có một con người như thế, Mầu áo trắng tinh khôi (nói về Bác với quân y), “Mặt đất và bầu trời” (dự tính sẽ ra mắt MV trong thời gian tới)… Nói chung, tôi luôn cố gắng tìm tòi giai điệu, nét nhạc mới để đưa vào trong ca khúc của mình về đề tài này. Theo tôi, đó chính là cách “hút” giới trẻ đến với mảng đề tài này.

    Nhạc sĩ 8X Tạ Duy Tuấn: "Nhiều bạn trẻ xúc động khi nghe các ca khúc về Bác Hồ do tôi sáng tác"- Ảnh 2.

    Tạ Duy Tuấn là một nhạc sĩ trẻ có nhiều sáng tác được giới chuyên môn đánh giá cao. (Ảnh: NVCC)

    Những ca khúc của anh về đề tài này được các bạn trẻ đón nhận như thế nào?

    – Nhiều người trẻ cảm thấy yêu thích, xúc động khi nghe những ca khúc này của tôi. Chỉ cần để ý lượng người xem và comment (bình luận) trên kênh Youtube của tôi thì sẽ hiểu họ yêu thích thế nào. Đặc biệt, trong những ca khúc này, tôi luôn chọn những ca sĩ trẻ biểu diễn với ẩn ý truyền đi thông điệp của thế hệ với đề tài này. Nhạc sĩ, ca sĩ và cả ê-kíp nữa – toàn những người rất trẻ, đã tạo nên tiếng nói của người trẻ, một sự tri ân của chúng tôi với Đảng, với Bác Hồ kính yêu.

    Đam mê sáng tác về Đảng, về Bác Hồ, có khi nào anh thấy mình khác biệt so với các nhạc sĩ trẻ khác?

    – “Sân chơi” âm nhạc muốn thành công thì không thể đại chúng. Mỗi người phải khẳng định cho mình một phong cách, tôi không thích đi theo lối mòn mà muốn tự kiếm tìm một con đường đi mới. Dẫu biết con đường này luôn trắc trở nhưng tôi luôn tràn đầy niềm tin với điều đó. 100 triệu người dân Việt Nam vẫn có rất nhiều người thích nghe những ca khúc về Đảng, về Bác Hồ. Đó chính là “khe cửa hẹp” để tôi miệt mài và không ngừng sáng tạo. 

    Tôi nghĩ âm nhạc là một sản phẩm đặc biệt mà đã là đặc biệt thì nên là đặc sản, tức là phải làm thế nào mà người nghe một lần thì muốn nghe mãi. Tôi rất vui mừng, hạnh phúc khi mỗi dịp sinh nhật Người lại có những người bạn và có những nhà báo hỏi thăm: “Đợt này có sáng tác gì mới về Bác Hồ không?”. Vậy là ít nhiều tôi cũng đã có lượng khán giả nhất định của mình.

    Ca khúc “Chúng em yêu Bác Hồ Chí Minh” do nhạc sĩ Tạ Duy Tuấn sáng tác, ca sĩ Hạ Lan và CLB Sao Tuổi Thơ thể hiện. (Clip: YouTube Tạ Duy Tuấn)

    Được biết, công việc của anh tại Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội là: Sáng tác, phối khí và giám đốc sản xuất. Điều này có ảnh hưởng gì đến những sáng tác về Đảng, về Bác Hồ của anh?

    – Tất nhiên, trong lĩnh vực sáng tác, tôi vẫn sáng tác nhạc trẻ, về tình yêu đôi lứa. Đó là vừa là nhiệm vụ chính trị và cũng là nghề để tôi kiếm tiền nuôi sống gia đình. Nhưng tôi xác định mình như người nông dân ấy, bên cạnh việc trồng cây ngắn ngày thì phải trồng cây dài ngày. Cây dài ngày ở đây chính là những ca khúc về Đảng, về Bác Hồ và tôi xác định đó chính là mục tiêu, là đích đến của mình. Tôi mới ở tuổi 40, thời gian phía trước còn rất dài để tôi sáng tác nhiều hơn về đề tài này. Trong tôi luôn rất rạch ròi, sáng tác về nhạc trẻ nhưng không vì thế mà mình mất đi cảm hứng sáng tác về Đảng, Bác Hồ. Mỗi mảng sáng tác tôi cho vào một “ngăn” rồi.

    Còn công việc phối khí, giám đốc âm nhạc cho tôi nhiều cơ hội được tiếp xúc với những người hoạt động hoạt nghệ thuật trẻ tuổi, để rồi biết đâu họ lại truyền cảm hứng cho tôi những chi tiết, hình ảnh “đắt” về đề tài Bác Hồ. Điều đặc biệt, hai công việc ấy luôn phải có một cái đầu mới mẻ, nắm được xu thế của giới trẻ hiện nay. Chính điều này sẽ giúp tôi tận dụng triệt để trong những ca khúc về Bác, để sao cho tác phẩm của mình sẽ có sự lan tỏa lớn nhất.

    Sáng tác về Đảng, về Bác cần phải có một vốn sống dày dặn và sự hiểu biết nhất định. Anh đã cập nhật điều đó thế nào?

    – Không chỉ những ca khúc về Đảng, về Bác mới cần điều đó mà là người nhạc sĩ cần phải không ngừng làm dày thêm sự hiểu biết của mình. Tôi luôn cố gắng mang vào trong bài hát những ca từ mang hình tượng văn học cao để người nghe nhớ mãi. Để có được điều đó, mỗi ngày tôi đều dành thời gian tìm tòi về các lĩnh vực văn học nghệ thuật, thu lượm kiến thức quý báu ấy để làm vốn sáng tác âm nhạc. 

    Đặc biệt, tôi chịu khó tìm đọc lịch sử, xem các thước phim tài liệu về Bác, bởi những gì về lịch sử thì nhạc sĩ không thể lơ mơ mà “dám” đặt bút sáng tác. Tất cả thông tin trong bài hát phải bảo đảm sự chính xác tuyệt đối và điều quan trọng hơn nữa là phải viết với cảm xúc chân thật của mình. Trong sáng tác âm nhạc, không có chỗ cho sự giả dối.

    Sau nhiều nỗ lực trong công việc, dường như trong tháng 5 này, anh mới đón nhận thêm niềm vui mới?

    – Đúng vậy! Ngày 17/5 vừa qua, tôi vừa được thăng quân hàm trước niên hạn từ Thiếu tá lên Trung tá. Thật ý nghĩa và tự hào khi tôi được thăng quân hàm trong ngày tháng 5- tháng có 2 sự kiện đặc biệt ý nghĩa của Đảng, Nhà nước và Quân đội, đó là kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024) và 134 năm Ngày sinh Bác Hồ kính yêu (19/5/1890-19/5/2024), người cha thân yêu của lực lượng vũ trang Việt Nam. 

    Cảm ơn những chia sẻ của anh!

    Trung tá, nhạc sĩ Tạ Duy Tuấn quê gốc ở xã Đông La, huyện Hoài Đức, Hà Nội, trong một gia đình có truyền thống âm nhạc. Anh đã giành được nhiều giải thưởng như: Giải A ca khúc “Cứ mộng mơ đi” tại Cuộc vận động sáng tác và phát động cuộc thi biểu diễn ca khúc chính thức Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII – năm 2022, Giải “Nhạc sĩ xuất sắc” tại Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quân năm 2022, Giải B sáng tác ca khúc “Quê hương trong tôi là” của Hội Nhạc sĩ Việt Nam tại Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2023, Giải Vàng trên vai trò giám đốc âm nhạc tại Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp về đề tài quốc phòng toàn dân năm 2023…


    Văn hóa – Giải trí | danviet.vn

    Nguồn: Sưu tầm internet

    (x)
    (x)