Bộ Văn hóa lên tiếng vụ bắt học sinh lớp 1 viết bài luận 5000 từ dự thi cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc

Last updated: May 21, 2024 at 21:43 pm - Lượt Views: 15 views

  • Điều đặc biệt về Thiên Lôi cao 1,8m, nặng 90kg ở Táo Quân
  • Đạo diễn Táo Quân 2025 đóng “Lấy danh nghĩa người nhà” bản Việt
  • Trước ngày tuyên án cựu Bộ trưởng Mai Tiến Dũng và các bị cáo: Những điểm đáng chú ý trong vụ Sài Gòn Đại Ninh

  • Mới đây, nhiều phụ huynh có con đang học tiểu học ở tỉnh Quảng Bình đã bày tỏ sự bức xúc khi nhà trường bắt các con viết bài luận 5000 từ để tham gia cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc. Thể lệ của cuộc thi yêu cầu bài dự thi phải do cá nhân thí sinh là học sinh tiểu học, trung học cơ sở và phổ thông trung học tự thực hiện, trong đó có cả những học sinh đang học lớp 1 và lớp 2 là những đối tượng đang làm quen với mặt chữ.

    Bộ Văn hóa lên tiếng vụ bắt học sinh lớp 1 viết bài luận 5000 từ dự thi cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc- Ảnh 1.

    Thể lệ cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc 2024 khiến nhiều phụ huynh ở Quảng Bình bức xúc. Ảnh: SKĐS

    Ông Mai Xuân Thành – Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao tỉnh Quảng Bình giải thích, toàn bộ kế hoạch tổ chức cuộc thi và thể lệ đều do Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) soạn thảo và gửi về cho tỉnh, thành. Sau đó, Sở này triển khai về các đơn vị liên quan triển khai trên toàn tỉnh, trong đó có ngành giáo dục để học sinh tham gia.

    Trao đổi với Dân Việt về vấn đề này, bà Kiều Thúy Nga – Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL) cho biết, đây là năm thứ 5 Bộ VHTTDL tổ chức cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc. Cuộc thi bắt đầu triển khai từ năm 2018 đến năm 2022 thì tạm dừng lại để tổng kết, đánh giá về hiệu quả của cuộc thi. Và năm 2024, cuộc thi lại tiếp tục được triển khai trên quy mô toàn quốc.

    Việc xây dựng các kế hoạch tổ chức, thể lệ cuộc thi… là kế thừa của những năm trước và năm gần nhất là 2022. Trong đó, nội dung của cuộc thi có những câu hỏi cũng là kế thừa từ năm 2022. Chỉ có một điều khác duy nhất đó là trong năm 2022, thể lệ đề chung là “Dành cho học sinh”, còn năm 2024 thì có cụ thể hơn khi ghi là “Dành cho hai nhóm đối tượng: Nhóm học sinh tiểu học và trung học cơ sở; Nhóm học sinh trung học phổ thông”. Và trong các năm trước, khi triển khai cuộc thi đến toàn bộ hệ thống giáo dục trên toàn quốc thì Bộ không nhận được bất kỳ một ý kiến phản đối nào. Thậm chí, ở vòng Chung kết, có một bạn học sinh lớp 2 của một trường tiểu học ở Nam Định còn đoạt giải Đại sứ Văn hóa đọc.

    Bộ Văn hóa lên tiếng vụ bắt học sinh lớp 1 viết bài luận 5000 từ dự thi cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc- Ảnh 2.

    Nhiều thầy cô và phụ huynh tỏ ra hoang mang khi học sinh lớp 1, lớp 2 bị bắt buộc tham gia cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc 2024. Ảnh: SKĐS

    “Vì thấy khi triển khai cuộc thi, các tỉnh không gặp khó khăn gì và cũng không có ý kiến phản đối hay đóng góp nào cả, nên chúng tôi cứ thế kế thừa và triển khai ở năm 2024. Bộ VHTTDL hoàn toàn không bắt các tỉnh phải ép buộc các đối tượng học sinh tham gia. 

    Bộ chỉ có văn bản phát động hưởng ứng và hướng dẫn gửi đến các tỉnh thành để triển khai. Tôi cũng được biết là chưa có địa phương nào ép buộc các trường phải bắt học sinh tiểu học, nhất là học sinh lớp 1 và lớp 2 tham gia cả. Có thể, nhà trường truyền đạt đến các phụ huynh chưa rõ ràng nên phụ huynh mới nghĩ là bắt buộc.

    Thậm chí, trong hệ thống câu hỏi của cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc 2024, chúng tôi còn phải điều chỉnh lại dễ hơn so với 2022. Vẫn kế các nội dung tương tự Đại sứ văn hóa đọc 2022 nhưng có câu dễ hơn. Nói như vậy để quý vị phụ huynh, các thầy cô giáo và các cơ quan quản lý nắm được mà tuyên truyền cho rõ ràng, tránh sự hiểu lầm không đáng có”, bà Kiều Thúy Nga chia sẻ.

    Chỉ vận động tham gia cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc 2024 chứ không ép buộc

    Trả lời câu hỏi của Dân Việt về việc, trong văn bản hướng dẫn có ghi rõ học sinh lớp 1 và lớp 2 cấp tiểu học không nhất thiết phải tham gia cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc 2024 không, bà Kiều Thúy Nga trả lời “không”. Bà Nga cũng giải thích rằng, các câu hỏi mang tính kế thừa của cuộc thi các năm trước nên phù hợp với các đối tượng. Chỉ có điều, năm nay, thể lệ cuộc thi ghi rõ đối tượng là “Nhóm học sinh tiểu học và trung học cơ sở” nên mới gây nên sự hiểu lầm.

    “Tôi khẳng định lại, đây là cuộc thi mang tính phát động chứ không bắt buộc. Nếu nói là bắt buộc các em học sinh phải tham gia là không đúng đâu. Chúng tôi cũng sẽ trao đổi với phía tỉnh Quảng Bình để giải thích với nhà trường, thầy cô, phụ huynh và các em học sinh một cách rõ ràng hơn. Cuộc thi phát động, vận động hưởng ứng chứ không bắt buộc ai cả nên nếu có sự hiểu lầm là phải giải thích để cho mọi người cùng thông tỏ”, bà Kiều Thúy Nga nhấn mạnh.


    Văn hóa – Giải trí | danviet.vn

    Nguồn: Sưu tầm internet

    (x)
    (x)