Trong giai đoạn 2 vụ án Vạn Thịnh Phát, Chủ tịch tập đoàn này, bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc lừa đảo hơn 30.000 tỷ đồng của các nhà đầu tư trái phiếu. Còn tại giai đoạn trước vụ án, bà Lan bị xác định tham ô hơn 415.000 tỷ đồng.
Tổng hai khoản trên, là hơn 445.000 tỷ đồng, được Trương Mỹ Lan “rửa sạch” bằng cách sử dụng hàng nghìn pháp nhân, cá nhân để chuyển tiền lòng vòng, rút tiền mặt ra chi tiêu, đầu tư. Việc này diễn ra trong giai đoạn 2018 – 2022.
Trương Mỹ Lan đã bị tuyên tử hình, hiện bị đề nghị truy tố vì lừa đảo, rửa tiền, chuyển tiền trái phép.
Theo điều tra, tính chung giai đoạn từ khi Ngân hàng SCB hợp nhất đến khi khởi tố vụ án, giai đoạn 2012 – 2022, nhà băng này nộp 3.160 file báo cáo tới Cục Phòng chống rửa tiền thuộc Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước (Cục PCRT).
Các file báo cáo thể hiện có hơn 313.000 giao dịch chuyển tiền điện tử, giao dịch từ 1.000 USD trở lên hoặc bằng ngoại tệ khác có giá trị tương đương. Tổng số chuyển đi và nhận lại theo các giao dịch này là hơn 489.688.700 triệu đồng, tương đương hơn 22,2 tỷ USD. Trong đó, chỉ có 151 giao dịch đáng ngờ.
Cảnh sát xác minh cho thấy, Cục PCRT có vai trò tiếp nhận thông tin, báo cáo từ các tổ chức theo quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền; tài trợ khủng bố và các thông tin liên quan tội phạm khác.
Chính phủ quy định thêm, cơ sở để xác định giao dịch chuyển tiền điện tử liên quan đến hoạt động rửa tiền, tài trợ khủng bố là các giao dịch liên quan tổ chức, cá nhân nằm trong danh sách đen; là đối tượng bị xử lý hình sự; người nằm trong danh sách cảnh báo của Ngân hàng Nhà nước hoặc các quốc gia trên thế giới…
Đối chiếu các quy định trên, hơn 313.000 giao dịch chuyển tiền tại SCB không có đối tượng Cục PCRT phải theo dõi. Cơ quan điều tra do vậy xác định Cục PCRT không có cơ sở xác định giao dịch tại SCB liên quan hoạt động rửa tiền, vận chuyển tiền của các công ty thuộc nhóm Vạn Thịnh Phát.
Với 151 báo cáo giao dịch đáng ngờ của Ngân hàng SCB gửi Cục PCRT, cảnh sát cho rằng trong số này không có danh sách 85 công ty thuộc nhóm Vạn Thịnh Phát chuyển tiền ra nước ngoài và 63 công ty nhận tiền từ nước ngoài về Việt Nam. Do vậy, Cục PCRT không có cơ sở để phân tích, nghi ngờ với việc chuyển tiền của nhóm doanh nghiệp thuộc Vạn Thịnh Phát.
Ngoài hành vi rửa tiền, “Trương Muội” cùng đồng phạm còn bị cảnh sát cáo buộc chuyển trái phép qua biên giới hơn 4,5 tỷ USD, gồm chuyển ra nước ngoài hơn 1,5 tỷ USD và nhận về 3,0 tỷ USD. Bà Lan khai tiền chuyển về Việt Nam là đi vay, còn ở chiều ngược lại là trả nợ.
Cảnh sát cũng xác minh trách nhiệm của Vụ Quản lý ngoại hối thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Tuy nhiên, đơn vị này: “Không có chức năng kiểm tra, thanh tra hoạt động ngoại hối của các tổ chức, cá nhân nói chung cũng như giao dịch ngoại hối chuyển tiền ra nước ngoài hoặc về Việt Nam nói riêng”.
Vụ Quản lý ngoại hối chỉ thống kê, theo dõi số liệu trên cơ sở số liệu báo cáo tổng hợp của từng ngân hàng, không có số liệu giao dịch của mỗi tổ chức hay cá nhân cụ thể.
Quá trình theo dõi số liệu tổng hợp do SCB cung cấp, Vụ Quản lý ngoại hối không có cơ sở để phát hiện sự bất thường đối với số liệu tổng hợp về tiền ra nước ngoài và nhận tiền từ nước ngoài chuyển về Việt Nam.
Cơ quan điều tra do vậy khẳng định không có căn cứ xem xét trách nhiệm của Cục PCRT, Vụ Quản lý ngoại hối trong việc các đối tượng, công ty thuộc Vạn Thịnh Phát và SCB làm trái quy định về việc chuyển tiền quốc tế.
Tin tức An ninh Xã hội tổng hợp mới nhất trong ngày
Nguồn: Sưu Tầm Internet