Trưng bày Bảo vật Quốc gia Linga vàng ở Bình Thuận
Theo ông Võ Thành Huy – Phó Giám đốc Sở Văn hoá thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận, sự kiện trên sẽ diễn ra từ ngày 2/10 sắp tới tại di tích tháp Pô Sah Inư, khu phố 5, phường Phú Hài, TP. Phan Thiết.
Ban tổ chức làm Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận bảo vật quốc gia – đợt 12, năm 2023 đối với Linga vàng của tỉnh Bình Thuận.
Sau đó, Linga vàng được trưng bày bằng hiện vật và hình ảnh khai quật khảo cổ tháp Pô Dam (huyện Tuy Phong), các sưu tập hiện vật văn hóa Chăm có giá trị tiêu biểu khác.
Theo ông Võ Thành Huy – Phó Giám đốc Sở Văn hoá thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận, thông qua lễ công bố nhằm tuyên truyền, quảng bá rộng rãi đến với Nhân dân, du khách trong nước và quốc tế về giá trị bảo vật quốc gia Linga vàng.
Qua đó nhằm nâng cao nhận thức và hành động của nhân dân trong việc gìn giữ, bảo tồn di sản văn hóa nói chung, bảo vật quốc gia nói riêng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân, phục vụ du lịch, thúc đẩy kinh tế – xã hội địa phương phát triển.
Được biết, hiện vật Linga vàng được phát hiện trong đợt khai quật khảo cổ tại tháp Pô Dam (xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong) vào năm 2013.
Thông qua việc giám định, các nhà khoa học khẳng định đây là chiếc Linga bằng vàng ròng có niên đại vào khoảng thế kỷ thứ VIII – cùng niên đại xây dựng nhóm tháp Pô Dam.
Kích thước, số đo Linga: Chiều cao 6,4cm; rộng giữa 5,7cm; đường kính ngoài 5,7cm; chu vi 17cm; khối lượng 78,3630g (kết quả giám định của Trung tâm Kỹ thuật đo lường chất lượng 3 Bộ KHCN).
So với những Linga bằng vàng phát hiện trong di tích Chămpa hay văn hóa Óc Eo thì Linga bằng vàng ở Pô Dam có kích thước, khối lượng và hàm lượng vàng lớn hơn nhiều lần.
Tuy nhiên, giá trị chính của Linga ở Pô Dam không nằm ở chỗ 78,3630g vàng ròng mà nằm ở cấu trúc chiếc Linga, xuất xứ, niên đại, tính hiếm và nghệ thuật chế tác thủ công.
Linga bằng vàng phát hiện tại tháp Pô Dam
Theo Bảo tàng tỉnh Bình Thuận, trước đó, cuộc khai quật khảo cổ kéo dài 2 năm (2013 – 2014) do Viện Khoa học Xã hội vùng Nam bộ và Bảo tàng Bình Thuận thực hiện tại tháp Pô Dam xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong.
Đoàn khảo sát đã đưa lên khỏi lòng đất một số lượng kiến trúc và di vật cực kỳ phong phú, đa dạng về các loại hình, với nhiều thông tin mang lại hiểu biết mới về một nhóm đền tháp thuộc loại cổ nhất của nghệ thuật kiến trúc Chămpa hơn 1.300 năm trước.
Những người chứng kiến sự việc cho biết, vào buổi chiều trung tuần tháng 6/2013, khi nhóm công nhân đang đào các lớp đất bên ngoài tường nhóm tháp Bắc, bỗng một công nhân phát hiện vật gì có màu vàng sâu khoảng 50cm dưới lớp đất trộn sỏi và gạch bể.
Sau đó nhóm công nhân đưa lên khỏi mặt đất thì thấy một di vật kim loại màu vàng. Do nhóm công nhân không biết đó là vật gì nên chôn lại.
Sau khi có quyết định cho phép khai quật của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, di vật trên được đưa về Bảo tàng tỉnh Bình Thuận ngay trong đêm. Thông qua việc giám định, các nhà khoa học khẳng định đây là đầu chiếc Linga bằng vàng ròng, vàng có độ tinh khiết cao…
Theo Bảo tàng Bình Thuận, Linga được chế tác bằng phương pháp đúc từ khuôn chứ không phải bằng phương pháp gò hay dập nổi như đa phần di vật vàng phát hiện ở nơi khác.
Đặc biệt là Linga phát hiện trong địa tầng khai quật nên những chi tiết trên Linga hình tròn, thân trong và ngoài trơn nhẵn, dưới đế chạy những đường viền mỏng… thể hiện rất tinh tế, chứng tỏ xưa kia những người thợ thủ công Chăm đã đạt đến một trình độ khá cao trong nghệ thuật kim hoàn.
Cụm tháp Pô Dam nơi phát hiện Linga vàng ròng
Nhóm đền tháp Chăm Pô Dam( còn gọi là PôTằm) tọa lạc dưới chân núi có tên là núi Ông Xiêm thuộc địa phận xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận nằm về hướng Tây Bắc, cách thành phố Phan Thiết khoảng 110 km. Tương tự như nhóm tháp Pôshanư cả về kỹ thuật xây dựng và nghệ thuật kiến trúc, và có niên đại nửa cuối thể kỷ VIII đầu thế kỷ IX thuộc phong cách kiến trúc nghệ thuật Hòa Lai, một phong cách kiến trúc cổ trong lịch sử kiến trúc của Vương quốc Chămpa.
Tháp Pô Dam là nơi thực hiện nghi lễ, thờ cúng Vua Chăm hàng năm của người Chăm Phú Lạc và các vùng lân cận. Hiện những dòng tộc là hậu duệ của Vua còn lưu giữ 8 sắc phong do các Vua Triều Nguyễn từ Minh Mạng đến Khải Ðịnh phong tặng Vua Pô Dam, được cất giữ đặc biệt như báu vật của dòng tộc và trách nhiệm của hậu duệ Vua. Nhóm đền tháp Pô Dam đã được Nhà nước xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia năm 1996.
Theo sử liệu dân gian Chăm, Pô Dam tức là PoKathit sinh năm 1387, là con của vua Parachanh và là em của Pô Sah Inư.
Pô Dam lên ngôi vua vào năm Bính Dần 1446 tại Bal Bat Thinưng (Khánh Hoà), thoái vị vào năm 1472 Nhâm Thìn. Khi Ngài mất đã được nhân dân tôn thành thần với tên hiệu Pô Dam, xây dựng tháp để suy tôn.
Po Dam có 2 người con trai là PoKaBrah và PoKaBih. PoKaBrah có đền thờ tại thôn Vĩnh Hanh xã Phú Lạc, còn PoKaBih có đền thờ tại ruộng Cây Táo, thôn Lạc Trị xã Phú Lạc.
Sau nhiều lần trùng tu, toàn bộ khu di tích tháp Pô Dam đã được khôi phục khá toàn diện. Trong khuôn viên tháp Pô Dam được xây dựng công trình phụ trợ như: sân vườn, nhà trưng bày… cũng được tỉnh Bình Thuận đầu tư xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách.
Tại đây, người Chăm (Bàlamôn) trong vùng thường tổ chức các hoạt động tín ngưỡng, lễ hội rất đặc sắc như lễ Cầu đảo, lễ Tống ôn, lễ Cầu mưa, lễ hội Katê. Đặc biệt nhất là lễ hội Pô Dam, được tổ chức 3 năm một lần theo phong tục địa phương thu hút rất đông người dân và du khách.
Lễ hội Pô Dam theo quan niệm của người Chăm là lễ cầu an (Yôr yang). Lễ hội này nhằm cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, dân làng ấm no. Ngoài ra, đây cũng là lễ hội để tưởng nhớ công ơn của tổ tiên và các vị thần linh cho quốc thái dân an, nước nhà hưng thịnh.
Lễ hội Pô Dam huy động tất cả các hệ phái chức sắc với nhiều nghi thức mang đậm dấu ấn Bàlamôn giáo như: nghi lễ rước y trang, tống ôn, tắm tượng các vị thần, mặc trang phục, cầu an, đại lễ, đốt lửa thiêng, thả bè…
Thời gian diễn ra lễ hội Pô Dam vào đầu tháng tư Chăm lịch (tháng 7 Dương lịch). Lễ hội diễn ra chính thức 2 ngày 1 đêm, gồm các nghi lễ theo phong tục của người Chăm. Ngoài ra, lễ hội cũng là dịp để các nam thanh nữ tú làng Chăm Lạc Trị còn biểu diễn các tiết mục văn nghệ, các trò chơi dân gian, tất cả tạo nên bức tranh đầy sắc màu của văn hóa Chăm độc đáo.
Linga là dương vật, biểu tượng của sự sinh sản, của nguồn sống
Linga-Yoni, một vật biểu trưng tín ngưỡng phồn thực theo triết lý của người Chăm. Nó thể hiện hai mặt âm-dương của vũ trụ, thể hiện sự sinh tồn của loài người, thông qua hình tượng cách điệu hai vật sinh thực khí của nam giới (linga) và nữ giới (yoni).
Trong Bà la môn giáo, Linga tượng trưng cho thần Shiva với tư cách là nguyên lý nhân – quả (phá hủy và tái sinh), là sự sinh sản, là những vật thờ quan trọng trong các di tích kiến trúc tôn giáo cổ thuộc văn hóa Champa ở miền Trung Việt Nam và các nền văn hóa – quốc gia cổ đại khác trong khu vực Đông Nam Á.
Linga là loại hình hiện vật tiêu biểu cho dấu ấn lịch sử mạnh mẽ của văn hóa Ấn Độ đối với vùng đất Nam Bộ và khu vực Đông Nam Á, đặc biệt trong nửa sau thiên niên kỷ I Công nguyên.
Đây còn là bằng chứng quan trọng trong nhận diện lịch sử phát triển của các hoạt động trao đổi thương mại, tương tác, giao lưu và tiếp biến văn hóa giữa cư dân bản địa với văn hóa Ấn Độ, phản ánh quá trình truyền bá – ảnh hưởng của tôn giáo Ấn Độ đến vùng đất này trong lịch sử.
Văn hóa – Giải trí | danviet.vn
Nguồn: Sưu tầm internet