BLV Quang Huy sinh năm 1974, là một bình luận viên quen thuộc với khán giả truyền hình trong nhiều chương trình thể thao. Bố của Quang Huy là nhạc sĩ Vũ Thảo, người hiện vẫn giữ kỷ lục Việt Nam về sáng tác nhạc phim.
Quang Huy vào nghề năm 1995. Sau một thời gian học việc, anh được phân công đọc băng phát lại một số trận đấu tại vòng chung kết Euro 199. Tháng 3/1997, Quang Huy lần đầu được giao nhiệm vụ bình luận trực tiếp trận đấu tại Dunhill Cup giữa chủ nhà Malaysia và Bosna & Hercegovina. Với chất giọng trầm ấm, cộng với đam mê, tích lũy tự nhiên từ nhỏ, BLV Quang Huy đã không mất nhiều thời gian để chinh phục khán giả theo dõi VTV3.
Trong giai đoạn gắn bó với Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), BLV Quang Huy đã để lại dấu ấn qua một số sự kiện mang tính lịch sử của thể thao Việt Nam như Tiger Cup 1998 và SEA Games 2003. Tháng 1/2006, sau hơn 10 năm gắn bó với VTV, Quang Huy chuyển qua công tác tại Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC trong vai trò Giám đốc kênh VTC3.
Trong buổi giao lưu với chủ đề “Thể thao trong gia đình Việt” trong khuôn khổ Ngày hội Gia đình Việt Nam 2024 diễn ra tại TP. Hải Phòng chiều 27/6, BLV Quang Huy chia sẻ rằng: “Bố tôi là nhạc sĩ Vũ Thảo, ông hoạt động nghệ thuật, cụ thể là sáng tác nhạc nhưng lại rất yêu thể thao. Từ bé tôi đã được sống trong bầu không khí hòa trộn giữ nghệ thuật và thể thao. Tôi nghĩ hai lĩnh này đều có những thứ rất giống nhau, đều đòi hỏi phải có năng khiếu, đều phải hy sinh rất vất vả và chặng đường vươn tới thành công phải gặp rất nhiều chông gai.
Có nhiều người rất yêu thể thao nhưng lên đến đỉnh cao thì cần phải có sự may mắn nữa. Nghệ thuật cũng vậy. Cho con em làm nghệ thuật nhưng muốn theo được đến cùng là cả một hành trình đầy gian nan.
Từ bé, bố tôi đã dạy tôi chơi thể thao, dạy đá bóng, dạy bơi lội… Bố thường xuyên mang các loại sách báo thể thao và âm nhạc về cho tôi đọc. Từ đó, âm nhạc và thể thao cứ ngấm vào tôi.
Thời đó, tôi cũng như các bạn cùng trang lứa, có học đàn, học kèn. Phần lớn các gia đình trong khu tôi sống đều định hướng cho con em vào học kèn, học đàn ở Nhạc viện Hà Nội (Nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), tôi cũng được gia đình định hướng như vậy. Nhưng đến thời điểm cần phải có một bước ngoặt, chuẩn bị lên học cấp 3 thì tôi nói với bố tôi rằng: “Con nghĩ là học văn hóa sẽ tốt hơn, đèn hay kèn chỉ là chơi thôi”. Và bố mẹ tôi rất tôn trọng ý kiến đó của tôi. Cho đến bây giờ tôi vẫn biết ơn bố mẹ về việc này.
Tôi học được ở bố mẹ tôi một điều là luôn tôn trọng ý kiến và sở thích nghề nghiệp của các con. Các con cứ phát triển tự nhiên và được quyền lựa chọn theo đam mê của mình. Gia đình chỉ định hướng chứ không can thiệp vào đam mê của con cái.
Tốt nghiệp cấp 3, tôi thi vào khoa Kinh tế trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Tôi tốt nghiệp đại học khi mới chỉ 20 tuổi thôi vì thời đó ngành giáo dục chưa có quy định về độ tuổi chặt chẽ như bây giờ. Ngày đó tôi lại học sớm hơn 1 năm so với bạn bè cùng tuổi nên 16 tuổi (1994) đã học xong chương trình phổ thông. Tốt nghiệp đại học tôi đã vào thực tập ở một công ty nước ngoài. Xu thế thời bấy giờ là vào làm ở công ty nước ngoài sẽ có thu nhập tốt, có cơ hội được học hỏi nhiều điều mới mẻ.
Tuy nhiên, như một cái duyên, thông qua một người bạn của bố tôi làm ở truyền hình thì được biết Đài Truyền hình Việt Nam đang tuyển biên tập viên thể thao. Mình cũng tự thấy có những kiến thức thể thao nhất định, khi bàn luận về các vấn đề thể thao với bạn bè thì kể rất rạch ròi. Tôi cũng muốn thử sức xem sao vì thấy công việc này khá thú vị. Tôi nhận thấy, làm bình luận viên thể thao thì bộc lộ bản thân rất nhiều. Và những gì thuộc về kiến thức, thuộc về giọng nói cũng đều được bộc lộ. Tôi quyết định thử sức với công việc này.
Lúc đầu, mọi người bảo tôi tập đọc một cái băng ghi hình phát lại trận đấu giữa CLB AC Milan và CLB Barcelona. Lúc bấy giờ tôi nhớ là mới có Cúp C1. Khi tôi đưa cái băng cho các anh, các chú xem thì các anh, các chú đều nói tôi rất có khả năng. Thế rồi tôi bị cuốn vào công việc với tất cả sự say mê của mình và theo đuổi hành trình đó cho đến bây giờ.
Trong một gia đình giàu truyền thống nghệ thuật như tôi thì tôi vẫn yêu cả thể thao lẫn nghệ thuật. Với tôi, thể thao là số 1, còn âm nhạc không phải là số 2 nhưng là một phần. Tôi cho rằng, những gì thuộc về tình yêu âm nhạc và thể thao của tôi cũng có tác động tốt, giúp cho công việc bình luận viên, phóng viên thể thao của mình lâu bền hơn. Nó giúp cho mình luôn có nhiều cảm hứng để sáng tạo trong công việc.
Những lúc trở về từ sân bãi, từ đấu trường… thì âm nhạc và nghệ thuật giúp cho mình hồi lại năng lượng và cảm xúc để ngay hôm sau mình đã thăng hoa để làm việc.
Tôi luôn biết ơn bố mẹ đã tạo điều kiện cho tôi thỏa thích với đam mê của mình. Cả những năm tháng đất nước còn khó khăn, gia đình vẫn luôn tạo điều kiện cho tôi theo đến cùng đam mê. Nhờ thế mà tôi mới có được ngày hôm nay”.
BLV Quang Huy: “Tôi luôn biết ơn bố mẹ vì đã không ngăn cản đam mê của tôi”
Theo BLV Quâng Huy, làm công việc liên quan đến nghệ thuật và thể thao cũng giống như nghề đã chọn người. Làm công việc này ngoài những tố chất cần, cũng cần những điều kiện đủ để làm tốt công việc của mình.
“Sau một thời gian dài gắn với công việc bình luận viên thể thao thì tôi đúc kết ra, công việc này đòi hỏi giọng nói phải truyền cảm, ngôn từ phải phong phú, có kiến thức, biết lắng nghe, biết học hỏi. Nhưng thực ra nó cần phải có chút duyên và may mắn nữa.
Thời điểm anh mới vào nghề, có thể đơn vị đó có rất nhiều người giỏi rồi nên anh phải biết lùi lại phía sau để học hỏi và nỗ lực để được tỏa sáng. Tôi may mắn là khi mới vào Đài Truyền hình Việt Nam thì Đài mở kênh VTV3 và mọi người đều biết VTV3 là bước ngoặt của ngành truyền hình Việt Nam. Trước đây có nhiều trận bóng đá, nhiều chương trình thể thao nhưng không có sóng phát, đến khi VTV3 ra đời thì cần chương trình để phát”, BLV Quang Huy nói.
Văn hóa – Giải trí | danviet.vn
Nguồn: Sưu tầm internet