Các sản phẩm âm nhạc sử dụng tình dục để “câu view” bị chỉ trích
Gần đây, sự kết hợp giữa rapper Coldzy và ca sĩ tlinh trong ca khúc “Fever” đã làm dấy lên làn sóng tranh cãi dữ dội. Ca từ gợi dục, nhạy cảm nhưng lại không hề có nhãn cảnh báo độ tuổi đã khiến nhiều người bức xúc. Dù vậy, MV lời bài hát vẫn thu hút gần 800.000 lượt xem sau hai tuần ra mắt và lọt top thịnh hành YouTube.
Một bộ phận khán giả cho rằng những sản phẩm âm nhạc có nội dung tiêu cực như thế này cần bị cấm phát hành để bảo vệ giới trẻ. Thậm chí, nhiều người còn đề xuất biện pháp mạnh tay hơn là cấm sóng vĩnh viễn những nghệ sĩ liên tục tung ra các sản phẩm độc hại.
“Fever” tràn ngập những ca từ ẩn ý, gợi dục được tlinh thể hiện bằng chất giọng lả lơi, nhấn nhá. Ca khúc nằm trong album “Medicine” của Coldzy, nhưng sự góp mặt của tlinh đã khiến nó nhận được sự chú ý đặc biệt.
Việc hai nghệ sĩ phớt lờ vấn đề dán nhãn độ tuổi cho ca khúc nhạy cảm đã gây ra nhiều tranh cãi. Đây không phải lần đầu tiên tlinh vướng vào những lùm xùm liên quan đến ca từ nhạy cảm trong âm nhạc. Mặc dù vậy, nhìn lại lịch sử, âm nhạc và tính dục luôn có sự gắn kết với nhau.
Trước đó, giữa tháng 6/2024, nhóm nhạc Cignature đã trở lại “đường đua” âm nhạc với MV “Poongdung” – ca khúc chủ đề trong album “Sweetie but Saltie”. MV mang đậm không khí mùa hè với màu sắc rực rỡ cùng giai điệu sôi động, trẻ trung. Các thành viên xuất hiện trong những trang phục năng động, gợi cảm, tự tin khoe vẻ đẹp trước ống kính.
Tuy nhiên, MV nhanh chóng vấp phải tranh cãi về trang phục và góc máy được cho là phản cảm, khêu gợi. Nhiều khán giả chỉ ra các thành viên diện trang phục ngắn, bó sát, cùng với một số góc quay tập trung vào cơ thể các cô gái trẻ. Trên mạng xã hội, nhiều người bày tỏ sự khó chịu và chỉ trích công ty quản lý cố tình “tình dục hóa” các thành viên. Một số người hâm mộ cũng cho rằng đây là chiêu trò “câu view” không cần thiết.
Bên cạnh đó, sự việc thành viên Jeewon bị khai thác hình ảnh nhạy cảm trong một chương trình tạp kỹ năm ngoái cũng được nhắc lại, làm dấy lên nhiều bức xúc.
Hiểu thế nào về tình dục trong âm nhạc và nghệ thuật?
Theo nhiều nghiên cứu cho rằng, âm nhạc, như một hình thức biểu đạt nghệ thuật, có liên quan mật thiết đến cảm xúc và tính dục của con người. Nghệ thuật và sự sáng tạo luôn là một phần không thể thiếu trong xã hội và cảm xúc của chúng ta, từ những câu chuyện kể, những điệu nhảy nguyên thủy cho đến những bức vẽ trên tường hang động về trải nghiệm của con người. Danh hoạ Pablo Picasso từng khẳng định rằng “tình dục và nghệ thuật là một” trong khi lý thuyết Thăng hoa của Sigmund Freud cho rằng các nghệ sĩ thực thụ tạo ra tác phẩm nghệ thuật từ sự dư thừa năng lượng tình dục.
Thiên tài của nhân loại, nhà nghiên cứu Charles Darwin đã nhấn mạnh mối liên hệ giữa âm nhạc và tình dục. Ông lập luận trong cuốn “The Descent of Man” (Dòng dõi con người – PV) rằng “những nốt nhạc và nhịp điệu đầu tiên được tổ tiên nam và nữ của loài người sử dụng để quyến rũ giới tính đối lập”. Tương tự như đuôi lông sặc sỡ của con công đực, chim trống phát triển những bài hát phong phú để thu hút bạn tình.
Thú vị thay, vào năm 2014, Benjamin D. Charlton đã công bố một nghiên cứu cho thấy sở thích tình dục của phụ nữ đối với các nhà soạn nhạc thay đổi trong chu kỳ kinh nguyệt của họ, phụ thuộc vào độ phức tạp của âm nhạc. Có nghĩa là khi phụ nữ ở thời điểm dễ thụ thai nhất, họ bị thu hút bởi các nhà soạn nhạc có âm nhạc phức tạp.
Lịch sử cho thấy âm nhạc không phải lúc nào cũng mang tính tình dục rõ ràng. Thực tế, phần lớn âm nhạc phương Tây thời Trung cổ được thực hành bởi các tu sĩ. Tuy nhiên, là một phần tự nhiên của con người, âm nhạc có thể và thường xuyên liên kết với tình dục và tính dục, đặc biệt là trong thời hiện đại. Bài bình luận “Striptease Culture” (Tạm dịch: Văn hoá thoát y) của Brian McNair nêu bật sự mâu thuẫn giữa tính thân mật và riêng tư của tình dục và cách nó ngày càng trở thành một phần của các lĩnh vực công cộng, phần lớn do các phương tiện truyền thông đại chúng và xã hội như video âm nhạc.
Đồng thời, âm nhạc cùng với các phương tiện khác như phim và nghệ thuật thị giác có ảnh hưởng lớn đến văn hóa và tâm lý xã hội. Elizabeth Wollman cho thấy rằng trong những năm 1970, các vở nhạc kịch dành cho người trưởng thành thường thể hiện “thái độ thay đổi nhanh chóng, thường mâu thuẫn, của đất nước về giới tính và tình dục vào thời điểm khi cuộc cách mạng tình dục đã nhường chỗ cho các phong trào giải phóng đồng tính và phụ nữ”. Âm nhạc và sân khấu biểu diễn là không gian nơi giới tính và tình dục được thảo luận. Do đó, ngành công nghiệp âm nhạc cần luôn ý thức về cách họ trình bày tính dục, đặc biệt là vì video âm nhạc rất dễ tiếp cận với những người trẻ, dễ bị ảnh hưởng.
Lấy hai video ca nhạc được xem nhiều nhất trên YouTube của một nam nghệ sĩ và một nữ nghệ sĩ tương ứng. “Despacito” của Luis Fonsi và Daddy Yankee đứng đầu với hơn 5 tỷ lượt xem và có cảnh hai người đàn ông công khai ngắm nhìn và đánh giá cơ thể của một người phụ nữ. Cô bị đối tượng hóa một cách trực tiếp nhất bằng việc chia cơ thể cô thành nhiều phần với máy quay tập trung vào chân, mông và ngực, bên cạnh những người đàn ông chủ yếu được quay cận mặt. “Shake It Off” của Taylor Swift cũng đối tượng hoá tính dục nữ, nhưng nó kết hợp nhiều hình thức biểu diễn đa dạng hơn khi gửi tới thông điệp tình dục ngang bằng giữa nam và nữ.
Năm 2011, Jennifer Stevens Aubrey và Cynthia M. Frisby đã công bố một nghiên cứu phân tích sự đối tượng hóa tình dục trong video âm nhạc, mà họ định nghĩa là quá trình đánh giá cơ thể, hoặc các bộ phận cơ thể, chủ yếu cho việc sử dụng và tiêu thụ bởi người khác. Nhìn vào 147 video âm nhạc, họ nhận thấy rằng các nghệ sĩ nữ có xu hướng khoe nhiều bộ phận cơ thể hơn và đóng vai trò chủ yếu là để cho…đep thay vì có một tác dụng nào đó khác.
Khái niệm “người nhìn” và “bị nhìn” của nhà làm phim người Anh nổi tiếng Laura Mulvey đưa ra vào năm 1975 cũng rất đáng chú ý. Trong video âm nhạc, cũng như trong TV và phim, người xem ở vị trí “người nhìn” trong khi những người biểu diễn “bị nhìn”, nhưng trong các video, các nhân vật có thể đóng vai trò “người nhìn” và “bị nhìn”.
Mặc dù Aubrey và Frisby chứng minh rằng không có sự khác biệt đáng kể về số lần ca sĩ nam và nữ “bị nhìn”, họ khẳng định rằng nam giới có tỷ lệ cao hơn là “người nhìn” này hơn nữ giới. Điều này có nghĩa là nam giới thường đảm nhận vai trò “người nhìn” hơn trong khi phụ nữ thường đảm nhận vai trò biểu diễn – “bị nhìn”.
Video âm nhạc nói chung có xu hướng “đối tượng hóa” tình dục nữ rõ ràng hơn và mô tả họ như những đối tượng để tiêu thụ. Tuy nhiên, khi các nghệ sĩ nữ quyết định tự đối tượng hóa bản thân, họ có nhiều quyền tự chủ hơn đối với vai trò của mình là “bị nhìn” hoặc “người nhìn”. Mặc dù đối tượng hóa tình dục có thể gây hại dù được dàn dựng bởi nam hay nữ, khi một phụ nữ biểu diễn và đóng vai trò “công cụ”, kiểm soát rõ ràng hình ảnh tình dục của mình, nó gửi một hình ảnh tích cực hơn đến các cô gái trẻ so với hình ảnh phụ nữ như là một phần của “hậu cung”.
Tình dục gắn liền với âm nhạc và biểu diễn, đặc biệt là trong xã hội tiêu dùng và thương mại của chúng ta. Là một loại hình nghệ thuật năng động và phát triển, âm nhạc từ lâu luôn khơi dậy các cuộc tranh luận về tình dục, các mối quan hệ và động lực giới tính. Tuy nhiên, tình dục trong âm nhạc chính thống hiện nay là một chiều, thường bị thao túng và khiến cho các khuôn mẫu tình dục độc hại lan tràn.
Trao đổi với PV Dân Việt, nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang cho rằng cần có những biện pháp nghiêm khắc với các sản phẩm âm nhạc dung tục như ca khúc “Fever” (Coldzy và tinh), việc dãn nhán cho ca khúc gợi dục không khả thi tại thị trường Việt Nam, đặc biệt trên môi trường internet: “Chúng ta có luật văn hoá, trong đó có điều 326 Bộ luật hình sự (năm 2015) quy định nghiêm cấm những hành vi tàng trữ, sản xuất và truyền bá văn hoá phẩm đồi truỵ. Vậy nên cần có sự vào cuộc từ phía cơ quan an ninh văn hoá, cơ quan quản lý văn hoá và cơ quan thông tin truyền thông để xem xét, đánh giá mức độ vi phạm của những ca khúc trên”.
Ông Ngô Hương Giang cũng đưa ra các giải pháp để giải quyết hiện trạng này. Theo đó, cần luật hoá chặt chẽ các hoạt động sáng tạo, đăng tải những nội dung xấu độc trên mạng xã hội, trong đó có sản xuất, phát tán các MV âm nhạc có nội dung dung tục. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý thông tin và văn hoá cần “cấm sóng” vĩnh viễn những tài khoản mạng xã hội, hoặc ca sĩ, nghệ sĩ nào cố ý sản xuất, phát tán các sản phẩm nghệ thuật xấu độc, vi phạm thuần phong mỹ tục trên không gian mạng.
Trong khi đó, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung nhận định: “Tiêu chuẩn văn hoá và giới hạn mỗi thời mỗi khác. Có thể đối với thế hệ 8X, 9X như chúng tôi, các ca khúc như vậy là dung tục, đồi truỵ, nhưng đối với thế hệ các bạn trẻ bây giờ lại cho rằng thế mới là phóng khoáng đổi mới, cũng bởi vậy lượt view cho các tác phẩm này khá cao. Tôi cho rằng, ý kiến của đại đa số khán giả và của các cơ quan quản lý văn hoá mới có thể tác động và định hướng những sản phẩm có nội dung như vậy.
Là một nhạc sĩ, tôi sẽ chỉ làm những gì mình thấy ý nghĩa, có giá trị phù hợp với nền tảng văn hoá mình được giáo dục và muốn lan toả. Việc đón nhận các hệ tư tưởng trong âm nhạc, quyết định đào thải sự độc hại hoàn toàn phụ thuộc vào khán giả và các cơ quan quản lý”.
Văn hóa – Giải trí | danviet.vn
Nguồn: Sưu tầm internet