Năm 1996, khi thực hiện bộ phim Tang le Onzieme (Người thừa) quay tại Việt Nam, nhà làm phim, đạo diễn Đới Tư Kiệt đã mời NSND Minh Châu đóng vai chính. Năm 1997, đạo diễn Phạm Ngọc Lân (khi ấy mới 11 tuổi) – cha đẻ của Cu li không bao giờ khóc, tình cờ xem Người thừa tại một rạp chiếu phim tại Hà Nội. Anh ấn tượng sâu sắc với lối diễn xuất của NSND Minh Châu trong phim. Ấn tượng ấy theo anh trong quá trình làm phim sau này.
Bởi thế, khi bắt tay thực hiện Cu li không bao giờ khóc – bộ phim vừa vinh dự thắng giải “Phim đầu tay xuất sắc” tại Liên hoan phim Berlin (Đức), anh đã mời “thần tượng” của mình tham gia phim cho bằng được. Ngày 4/7 và 6/7 tới đây, Cu li không bao giờ khóc của đạo diễn Phạm Ngọc Lân, do NSND Minh Châu thủ vai chính sẽ được trình chiếu trong hạng mục Phim Châu Á dự thi tại Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng (DANAFF). Chủ tịch Ban giám khảo hạng mục này không ai khác, chính là nhà văn, nhà làm phim, đạo diễn Đới Tư Kiệt – người có mối duyên hết sức đặc biệt với NSND Minh Châu.
PV Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với NSND Minh Châu về mối duyên đặc biệt này!
Có thông tin cho rằng, NSND Minh Châu hủy bỏ việc tham dự Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng (DANAFF) vào phút chót vì lí do đột xuất?
– Cách đây mấy tuần, tôi được BTC Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng (DANAFF) mời vào dự lễ Khai mạc và tham gia một số hoạt động trong khuôn khổ Liên hoan phim. Đặc biệt là sự kiện công chiếu chùm phim của đạo diễn Đặng Nhật Minh và đoàn phim Cu li không bao giờ khóc giao lưu với khán giả vào ngày 4/7. Tuy nhiên, do vướng một chút việc riêng ở Nha Trang nên tôi đã không kịp bay về Đà Nẵng dự lễ Khai mạc.
Sáng nay, đọc được thông tin đạo diễn Phạm Ngọc Lân rất muốn cùng tôi gặp gỡ đạo diễn Đới Tư Kiệt tại Đà Nẵng, tôi đã nhắn phía BTC về việc đặt vé máy bay cho tôi kịp vào dự sự kiện đoàn phim Cu li không bao giờ khóc giao lưu với khán giả, để có cơ hội gặp lại vị đạo diễn mà tôi rất yêu mến và kính trọng. Tôi với đạo diễn Đới Tư Kiệt – ngày xưa tôi hay gọi ông bằng tên tiếng Anh là Dai Sijie có một mối duyên rất đặc biệt. Ông là một vị đạo diễn tuyệt vời trong mắt tôi.
Lí do gì năm 1996, bà lại được mời tham gia bộ phim Tang le Onzieme (Người thừa) của đạo diễn Đới Tư Kiệt?
– Câu chuyện kể ra dài lắm, tất cả đều xoay quanh một chữ duyên. Năm đó, đoàn làm phim Người thừa có tìm một nghệ sĩ đóng vai bà mẹ – vai chính trong phim. Phía tổ sản xuất có liên hệ mời tôi đến thử vai nhưng tôi không thích thử vai trước nên không đến. Tôi sợ vụ thử vai lắm vì tôi thử vai bao giờ cũng trượt (cười). Đoàn làm phim Người thừa “dụ” tôi đến đoàn làm phim để thử vai tôi liền chạy về luôn.
Lúc đó, thấy thuyết phục tôi đến thử vai mãi không được họ đã chọn một người khác thay thế. Đoàn làm phim đã chuẩn bị xong mọi thứ để lên đường đi quay. Tuy nhiên, ông Đới Tư Kiệt vẫn chưa thực sự hài lòng với người mà đoàn phim chọn nên bảo trợ lý cố gắng tìm thêm người để ông ấy quyết. Cô trợ lý mới kể về trường hợp của tôi nhưng có nói tôi không muốn thử vai. Ông Đới Tư Kiệt bảo cô trợ lý cứ mời tôi lên, ngắm thấy tôi duyệt được thì ông sẽ chốt chứ không cần thử vai.
Phía đoàn phim mời tôi đến gặp ông Đới Tư Kiệt, vừa gặp tôi, ông ấy đã thốt lên: “Nhân vật của tôi đây rồi”. Nhưng ông ấy rất khôn. Ông ấy cố tình gài bẫy để tôi vẫn diễn thử cho ông ấy xem. Ông ấy bảo với tôi: “Tôi không cần bà phải diễn thử nữa, tôi đã chọn bà rồi. Nhưng bà có thể diễn cho tôi một đoạn trong kịch bản được không?”. Nghe ông ấy nói thế, tôi biết ông ấy gài bẫy mình nhưng vì ông ấy cam đoan đã chọn mình rồi nên tôi vẫn diễn.
Ông ấy chọn cho tôi đoạn khó nhất trong kịch bản là đoạn bà mẹ vừa đau bụng đẻ, vừa rất lo lắng cho người chồng đang trong rừng sâu. Ông ấy còn lịch sự bảo tôi: “Nếu bà cần tập tôi sẽ đi ra ngoài cho bà tập trước rồi diễn”, nhưng tôi bảo: “Không cần, tôi diễn luôn”. Lúc tôi diễn xong, ông Phó Đạo diễn người Pháp ra ngoài vuốt tay bảo: “Bà diễn làm tôi nổi hết cả da gà lên”.
Sau đó người ta mời tôi ký hợp đồng nhưng vì chưa biết thù lao mọi người trong đoàn thế nào nên tôi chưa vội ký mà lấy lí do có việc gấp phải về nhà. Kỳ thực là tôi muốn kiếm cớ hoãn binh để tìm hiểu xem mọi người được trả thù lao như thế nào rồi mới đưa ra giá của mình vì lúc đó các diễn viên phía Việt Nam đã ký hết rồi. Thời đó tôi đã biết “làm giá” như thế rồi đấy (cười)
Và cuối cùng thì bà đã đòi cát sê cho mỗi ngày quay thời đó là bao nhiêu?
– Lúc đó tôi liều lắm, tôi dám mặc cả với đoàn phim cơ. Tôi nửa đùa, nửa thật với đoàn phim là phải trả tôi 1 triệu USD cho tất cả các ngày quay, vì trong phim tôi đóng vai bà mẹ là vai chính. Tuy nhiên, tôi biết mình không thể bằng được diễn viên người Mỹ nên chỉ nói đùa thế thôi chứ không hy vọng.
Sau đó, tôi hơi thật thà, có kể đợt rồi có một đoàn làm phim trả tôi 2 triệu đồng/ngày quay nhưng tôi không nhận lời, thế là đoàn phim “bấu” vào đó đề xuất mức thù lao 2 triệu đồng/ngày. Sau này, mấy diễn viên Việt Nam trong đoàn phim cứ trách tôi là tại sao ký mức thù lao cao như thế mà không nói cho họ biết để thương lượng. Trước đó, phía diễn viên Việt Nam, người được trả cao nhất chỉ là 500.000 đồng/ngày quay thôi.
Những ngày đó, mọi người trong đoàn phim yêu quý tôi lắm. Ông Giám đốc sản xuất người Pháp cứ bảo với tôi: “Tôi nói thật, khi xem bà diễn, tôi thấy tôi nhỏ lại”. Ông ấy nói câu đó khiến tôi cảm thấy hạnh phúc và nhớ mãi. Ông ấy còn dặn tôi: “Sau này có đoàn phim nước ngoài nào mời bà đóng phim, bà cứ gọi cho tôi, tôi sẽ tư vấn hoặc đòi giá cho bà”. Về sau, chính ông này thấy tôi nhận mức thù lao hơi thiệt thòi nên đã tự thưởng thêm cho tôi một khoản.
Có kỷ niệm gì đáng nhớ trong suốt những ngày rong ruổi cùng đoàn phim Người thừa đi qua các bối cảnh để thực hiện cảnh quay?
– Trong quá trình làm bộ phim này, có rất nhiều kỷ niệm xúc động. Hồi đó, phim quay ở rất nhiều bối cảnh, có cả Ninh Bình, Sa Pa và Hà Đông (Hà Nội).
Bộ phim Người thừa kể câu chuyện truyền thuyết của Trung Hoa. Lúc đầu, đạo diễn Đới Tư Kiệt định thực hiện bộ phim này tại Trung Quốc nhưng không hiểu sau đó bị trục trặc gì đó nên ông sửa lại kịch bản rồi chuyển qua thực hiện ở Việt Nam.
Chuyện phim kể về một gia đình sống ở một vùng xa xôi hẻo lánh. Vùng quê này có một hồ nước rất to, ở dưới có một con cá hóa tinh. Con cá này rất hay quấy phá dân làng khiến cho mùa màng thất bát, mọi thứ đảo lộn… Có người truyền lời rằng, chỉ khi nào có một nhà sinh được 10 người con thì sẽ có sức mạnh để tiêu diệt được con cá hóa tinh này. Trong làng có một bà mẹ đã đẻ được 9 đứa con, đang mai thai đứa con thứ 10.
Toàn bộ dân làng biết chuyện đã ra sức chăm sóc, nâng niu và nịnh bợ bà mẹ này. Nhưng oái oăm thay, khi bà này đẻ ra lại đẻ sinh đôi và thành 11 đứa con, thế nên phim mới có tên phim là Người thừa. Vì chuyện này mà dân làng trở mặt, quay ngoắt lại với gia đình bà mẹ này. Họ vu cho gia đình nhà này có ma tà gì đó, bắt ông bố phải lên giàn hỏa thiêu, đuổi đứa bé thứ 11 vào trong rừng sống… cuối cùng vì không chịu được sự theo dõi của dân làng nên bà mẹ phải ôm các con đi trốn.
Trong phim này, tôi đóng vai bà mẹ, một diễn viên người Nhật đóng vai ông bố. Tôi đánh giá rất cao ý tưởng văn học của kịch bản và sau này trang Variety rất khen ngợi Đới Tư Kiệt về cảm quan thị giác khi thực hiện bộ phim này.
Lúc tôi quay xong cảnh cuối cùng, cả đoàn phim vỗ tay và nổ sâm banh ăn mừng, tôi đứng giữa đoàn phim khóc òa lên vì xúc động. Tôi được đoàn phim yêu quý lắm. Một may mắn nữa là người đóng cùng với tôi nhiều cảnh nhất hồi đó là diễn viên người Nhật mà tôi lại biết tiếng Nhật nên chúng tôi trao đổi với nhau về vai diễn rất nhiều, phối hợp rất ăn ý.
Sau này bà có gặp lại đạo diễn Đới Tư Kiệt lần nào nữa không?
– Sau này, đạo diễn Đới Tư Kiệt có mấy lần trở lại Việt Nam thăm bạn gái, bạn gái ông là trợ lý đạo diễn người Việt. Tôi cũng có chơi với bà này nên mấy lần ông sang để mời tôi đến chơi. Sau này ông ấy ít sang hơn, có thể hai người có trục trặc gì đó. Và cũng kể từ đó đến nay tôi không gặp lại ông Đới Tư Kiệt nữa. Chính vì thế, lần này tôi rất háo hức muốn gặp lại ông ấy. Lại thêm chuyện đạo diễn Phạm Ngọc Lân muốn cùng tôi gặp đạo diễn Đới Tư Kiệt nên tôi phải cố gắng thu xếp vào Đà Nẵng ngay chiều nay.
Cảm ơn NSND Minh Châu đã chia sẻ thông tin!
Văn hóa – Giải trí | danviet.vn
Nguồn: Sưu tầm internet