Kim Tuyến được trao danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú ở tuổi 37
Có ý kiến cho rằng, Kim Tuyến còn rất non trẻ từ tuổi đời đến tuổi nghề để được nhận danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, chị nghĩ sao về điều này?
– Chính tôi còn không nghĩ sẽ đạt được danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú trong sự nghiệp của mình nữa là đạt được ở độ tuổi này. Vì vậy, tôi rất trân trọng đến mức thận trọng trong mỗi hành động, phải làm sao cho xứng đáng với danh hiệu.
Tôi chậm lại trong công việc lẫn trong cuộc sống từ sau khi nhận được danh hiệu. Tôi ý thức mình là người của công chúng thật sự, chữ “của” theo tôi là sự tạo nên giá trị.
Mình là người của công chúng nhưng trách nhiệm là của mình, mình cần có giá trị thật mang đến cho công chúng. Suy nghĩ đó làm tôi chậm lại, lựa chọn dự án ý nghĩa chứ không nhận vai vì đơn giản đó là công việc diễn xuất.
Và cũng có dư luận rằng, danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú đã do Nhà nước công nhận thì nên trao tặng và việc cầu nghệ sĩ nộp hồ sơ, chứng thực quá nhiều thủ tục thì không hợp lắm. Quan điểm của NSƯT Kim Tuyến thế nào?
– Vậy có thể đặt câu hỏi ngược lại: “Nếu Nhà nước nhìn thấy tài năng của một nghệ sĩ thì chủ động trao giải nhưng người nghệ sĩ nói không nhận chỉ đơn giản là bởi nghệ sĩ luôn có cá tính riêng. Vậy có phải khó xử không! Vậy nên việc nộp hồ sơ đề xuất là thể hiện sự nghiêm túc mong muốn công nhận từ Chủ tịch nước.
Hình ảnh nghệ sĩ nhận danh hiệu từ Chủ tịch nước rất quan trọng và cần có sự trân trọng. Tôi nghĩ khi nghệ sĩ có sự khát khao nghiêm túc thì họ sẽ cố gắng phấn đấu. Khi được công nhận thì chính nghệ sĩ sẽ trân trọng hơn và thấy xứng đáng hơn!
Hiện nay, NSƯT Kim Tuyến sẽ lựa chọn vai diễn như thế nào để không vì kỹ tính mà tự hạn chế con đường sự nghiệp?
– Đối với tôi, khi được mời vào phim ý nghĩa và vai có giá trị là tôi tham gia, không phân biệt vai lớn hay vai nhỏ. Với giải thưởng của Nhà nước trao tặng, tôi mong được tham gia phim do Nhà nước sản xuất.
Nếu như trước đây diễn viên nghe nói tham gia phim Nhà nước thì e dè vì cát-xê không cao, quay cực khổ. Nhưng bây giờ thì tôi thấy mình được giải là vinh dự do Nhà nước trao tặng thì mình phải kỹ tính lựa chọn vai hay, góp phần lan tỏa thông điệp của phim Nhà nước.
Tôi có sự thay đổi đối lập với chính mình trước kia. Nếu như ngày xưa tôi thích những dòng phim kịch tính thì nay tôi thích vai nhẹ nhàng nhưng sâu sắc, câu chuyện đơn giản. Theo tôi nghĩ chính vì sự đơn giản thì khán giả mới cảm thấy gần gũi, dễ hiểu và mở lòng đón nhận thông điệp phim.
Một bộ phim phải có ý nghĩa gì, mang giá trị gì. Vai diễn có gửi gắm thông điệp sẽ đủ sức thuyết phục tôi tham gia.
Không ngại đóng cảnh nóng khi là Nghệ sĩ Ưu tú
Việc tham gia phim có cảnh nóng từ sau khi có danh hiệu NSƯT có là áp lực với chị không?
– Tôi không thấy áp lực khi nhận vai có cảnh nóng. Nếu như ở phim có cảnh nóng cần thiết để đẩy mạch phim lên cao trào, ý nghĩa thì tôi không ngại tham gia. Sau khi phim công chiếu, khán giả có nhận xét Kim Tuyến diễn “bạo dạn, mãnh liệt quá” tôi cũng thấy vui vì tôi đã làm tròn vai. Tôi tin ở thời điểm hiện đại này, khán giả đủ thông minh để phân biệt đâu là phim, đâu là đời.
Rõ ràng là chị vẫn chưa có mức độ phủ sóng liên tục từ điện ảnh đến truyền hình sau danh hiệu NSƯT?
– Tôi luôn tự hỏi vai trò của diễn viên là gì? Nếu như trước kia tôi không nghĩ xa vì may mắn có được vai diễn liên tục. Tôi luôn nhận vai với lý do đơn giản là sẽ làm tốt nhất vai đó.
Nhưng sau 20 năm làm nghề, tôi có nhiều phim truyền hình đạt rating cao, có nhiều danh hiệu tại các kỳ liên hoan phim như giải thưởng Cánh diều… và chứng minh chuyên môn cụ thể là danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú. Tất cả điều đó cho tôi suy nghĩ: Mình cần làm gì nhiều hơn cho những vai diễn? Nếu cứ cuốn theo lời mời lặp lại, tôi sẽ có danh sách với số lượng phim nhưng chưa chắc đảm bảo chất lượng.
Thế nên tôi chấp nhận lui về để nghĩ đến chất lượng, tham gia có chọn lọc để vai diễn chất lượng. Nếu như ngày xưa tôi diễn bằng năng khiếu và may mắn đóng phim đúng thời hoàng kim phim truyền hình. Tôi gọi lúc đó đi diễn là đi học, diễn càng nhiều học càng nhiều. Đặc biệt, tôi đã dành thời gian học và tốt nghiệp lớp Đạo diễn tại Đại học Sân khấu – điện ảnh TP HCM. Vì vậy thời điểm này, tôi tin mình đã nạp kiến thức đủ đầy. Tôi cũng tự cho mình quyền dám suy nghĩ về điều gì đó lớn hơn là diễn xuất, và thông qua diễn xuất mình làm được gì.
Tôi bắt đầu quay về câu chuyện “diễn viên” phải cao hơn công việc đóng phim lấy tiền. Tôi thường nghe các bác đạo diễn hay gọi trên phim trường người đóng phim cho xong lấy tiền về là “thợ diễn”, ra trường quay để làm “thợ diễn” hay “nghệ sĩ” vậy? Tôi muốn là nghệ sĩ chứ không muốn bị gọi là thợ diễn.
Tôi nghĩ nghệ sĩ phải làm nên tác phẩm có giá trị nghệ thuật là cái đẹp. Cái đẹp không đơn giản là nhãn quan nữa mà phải cho khán giả thấy cái đẹp từ bên trong gồm câu chuyện, nét diễn… Muốn hướng đến cái đẹp khác thì cần phải có sự hy sinh và đó là tôi lúc này. Tôi tin một thời gian sau mọi người sẽ công nhận sự cố gắng thay đổi của tôi.
Cảm ơn chia sẻ của NSƯT Kim Tuyến!
Văn hóa – Giải trí | danviet.vn
Nguồn: Sưu tầm internet