Ngày 31/7, TAND TP.HCM tiếp tục phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, các trung tâm đăng kiểm, chi cục đăng kiểm tại TP.HCM và các địa phương khác.
Tại tòa, HĐXX, VKS và luật sư đã tiến hành xét hỏi đối với các bị cáo là lãnh đạo, các đăng kiểm viên (ĐKV) thuộc trung tâm đăng kiểm 50-14D, 50-15D, 50-17D và 50-19D. Các bị cáo tại các trung tâm đăng kiểm này đều thừa nhận hành vi phạm tội và cho biết bản thân phạm tội lần đầu, ăn năn hối cải, thành khẩn khai báo, có nhân thân tốt… nên mong muốn HĐXX xem xét.
Tại Trung tâm đăng kiểm 50-15D, để thực hiện hành vi nhận hối lộ trong quá trình đăng kiểm, các bị cáo trong ban giám đốc đã chỉ đạo nhân viên cấp dưới móc nối với những người môi giới để quy định những ký hiệu riêng cho phương tiện đi đăng kiểm qua trót lọt.
Tại toà, các bị cáo môi giới khai hồ sơ được ghi ký hiệu vào góc trái của “Phiếu theo dõi” để kiểm định đạt, được trung tâm tạo điều kiện cho nợ tiền và cuối ngày sẽ thu tiền sau.
Cụ thể, Nguyễn Trọng Vĩnh và Đoàn Hải Linh quản lý, điều hành trung tâm 50-15D đã cùng bàn bạc giao Vũ Hữu Bình (nhân viên trung tâm) móc nối với những người môi giới là Lê Hồng Hải, Lê Hồng Đức, Lê Ngọc Lợi, Lê Ngọc Tài (đã chết), Lê Bá Dũng, Phạm Minh Hiền và Đoàn Chiến Thắng để nhận tiền hối lộ.
Các bên thỏa thuận: Đối với ô tô con là 100.000 đồng/xe; đối với ô tô tải nhỏ, ô tô tải lớn và xe 16 chỗ là 200.000 đồng/xe; đối với ô tô trên 16 chỗ, xe lớn là 300.000 đồng/xe; đối với các lỗi nghiêm trọng như mâm không đúng kích thước, lốp mòn, biển số mờ… Bình sẽ nhắn tin hoặc gọi điện thoại báo cho Hải để Hải thỏa thuận với chủ xe, nâng số tiền hối lộ từ 400.000 đồng đến 700.000 đồng/xe để được bỏ qua lỗi.
Hải, Đức, Lợi, Tài, Dũng, Hiền, Thắng khi đưa phương tiện vào đăng kiểm sẽ thông báo trực tiếp hoặc nhắn tin cho Bình và Bình sẽ thông báo đến các đăng kiểm viên biết để kiểm định đạt cho các phương tiện, nếu phát hiện lỗi sẽ chủ động bỏ qua.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhóm môi giới trên đưa nhiều phương tiện đến đăng kiểm để nhận tiền hối lộ, Nguyễn Trọng Vĩnh đã chỉ đạo cho Phạm Kim Anh (nhân viên tiếp nhận hồ sơ) khi Hải, Đức, Lợi, Tài, Dũng, Hiền, Thắng đưa xe vào đăng kiểm thì cho nợ tiền phí kiểm định, để cuối ngày tổng kết lại thu một lần và để quản lý.
Kim Anh đã ghi lại ký hiệu của từng người vào góc trái, phía dưới tờ “Phiếu theo dõi”, nếu là phương tiện của Lê Bá Dũng đưa vào thì ký hiệu “D”; Phạm Minh Hiền ký hiệu chữ “H”, của Đoàn Chiến Thắng ký hiệu chữ “TVP”, của Vũ Hữu Bình nhận trực tiếp thì ký hiệu chữ “B” và ký hiệu “6” là xe của Lê Ngọc Tài, Lê Ngọc Lợi, Lê Hồng Hải và Lê Hồng Đức.
Hàng ngày số tiền hối lộ nhận được, Vũ Hữu Bình cất giữ vào tủ cá nhân và báo trực tiếp cho Nguyễn Trọng Vĩnh vào cuối ngày. Theo chỉ đạo của Vĩnh, sau khoảng từ 1 đến 2 tuần, Bình sẽ chia số tiền nhận được cho những người làm việc trong trung tâm bao gồm Giám đốc, Phó Giám đốc, đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ và bảo vệ với tỉ lệ: Vĩnh, Linh mỗi người được chia 8 triệu đồng/tháng, các đăng kiểm viên và Bình được chia 6 triệu đồng/tháng, nhân viên văn phòng, bảo vệ được 1 triệu đồng/tháng. Ngoài ra đưa vào quỹ ngoại giao, tiếp khách của Trung tâm 50-15D mỗi tháng số tiền 10 triệu đồng.
Cáo trạng thể hiện chỉ từ tháng 6/2019 đến tháng 11/2022, Vũ Hữu Bình đã nhận hối lộ của các bị cáo môi giới với tổng số tiền 3,5 tỷ đồng để cấp 17.940 lượt giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Tin tức An ninh Xã hội tổng hợp mới nhất trong ngày
Nguồn: Sưu Tầm Internet