Bộ trưởng Bộ VHTTDL vừa ký Quyết định số 2322/QĐ-VHTTDL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Nghề thủ công truyền thống Nghề dệt thổ cẩm của người Mường ở xã Kim Thượng, xã Xuân Đài, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ.
Tân Sơn là huyện miền núi nằm ở phía Tây Nam tỉnh Phú Thọ với hơn 83% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó dân tộc Mường chiếm hơn 75% dân số toàn huyện.
Đồng bào Mường tại Tân Sơn còn lưu giữ kho tàng di sản văn hóa phi vật thể đa dạng, phong phú, giàu bản sắc. Trong đó nổi bật nghề truyền thống dệt thổ cẩm của phụ nữ dân tộc Mường. Đến nay, để giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống, người Mường vẫn duy trì trồng bông, xe sợi và nhuộm chàm với nhiều công đoạn thủ công và kỹ thuật độc đáo.
Để bảo tồn, phát huy nghề dệt thổ cẩm dân tộc Mường huyện Tân Sơn, Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ đã tổ chức mở nhiều lớp truyền dạy nghề dệt thổ cẩm cho đồng bào Mường.
Gần đây nhất, từ ngày 18/10 đến ngày 26/11/2023, Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ đã mở lớp truyền dạy nghề dệt thổ cẩm cho đồng bào Mường 2 xã Kim Thượng và Xuân Đài, huyện Tân Sơn. Thông qua các lớp truyền dạy, 100% học viên có thể thực hiện kỹ năng dệt và tất cả kỹ năng trong quá trình để làm nên sản phẩm nghề dệt thổ cẩm.
Đây là hoạt động nhằm triển khai thực hiện Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.
Việc công nhận nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Mường là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia góp phần bảo tồn, phát triển nét đặc sắc trong văn hóa đồng bào các dân tộc nói chung, văn hóa dân tộc Mường nói riêng.
Văn hóa – Giải trí | danviet.vn
Nguồn: Sưu tầm internet