Cuối phiên chất vấn chiều 21/8, đại biểu Bùi Xuân Thống – Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Đồng Nai đặt vấn đề chất vấn đối với Chánh án TANDTC về vụ án lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Quỹ tín dụng nhân dân Tân Tiến, Thanh Bình và Dầu Giây.
Ngày 25/7/2022, Hội đồng Thẩm phán TANDTC có Quyết định giám đốc thẩm số 11/2022. Trong đó, có 4 nội dung kiến nghị xem xét hành vi có dấu hiệu tội phạm cụ thể: Hành vi huy động vốn trái quy định của Ngân hàng Nhà nước nếu có căn cứ xác định đủ yếu tố cấu thành tội phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức chính trị thì các cơ quan tiến hành tố tụng ở cấp sơ thẩm vẫn có thể khởi tố; hành vi sử dụng giấy chứng nhận giả để hợp thức hóa các hồ sơ làm giả với mục đích chiếm đoạt tài sản.
Đại biểu cho biết, ngày 26/4/2023, cơ quan điều tra đã có văn bản gửi kiến nghị TANDTC chuyển hồ sơ và kiến nghị đến Viện KSND tỉnh Đồng Nai hoặc cơ quan Công an tỉnh Đồng Nai để tiếp nhận, điều tra các hành vi nêu trên. Ngày 22/6/2023, Đoàn ĐBQH tỉnh đã có văn bản số 103 kiến nghị Chánh án TANDTC xem xét các kiến nghị, tuy nhiên đến nay TANDTC vẫn chưa có phản hồi.
Sau đó, các kiến nghị tiếp tục được gửi đến TANDTC đề nghị phân công cơ quan điều tra thực hiện các nội dung kiến nghị trong Quyết định giám đốc thẩm… Nhân phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Bùi Xuân Thống và Đoàn ĐBQH tỉnh kiến nghị Chánh án TANDTC xem xét, chuyển các kiến nghị này để các cơ quan tiếp tục thực hiện điều tra theo quy định của pháp luật.
Sáng 22/8, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đã trả lời chất vấn nội dung trên. Theo đó, đại biểu đề nghị TANDTC sau khi xét xử giám đốc thẩm, có thông tin để Công an Đồng Nai khởi tố điều tra vụ án; và chuyển hồ sơ cho Công an Đồng Nai để điều tra truy tố, xét xử.
Về thông tin đến Công an và Viện KSND tỉnh Đồng Nai, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết, sau khi xét xử giám đốc thẩm, TANDTC đã chuyển thông tin, tài liệu và bản án đến Viện kiểm sát và Công an tỉnh Đồng Nai để điều tra. Với thông tin như vậy, phát sinh một vụ án độc lập với bốn hành vi như ĐBQH nêu, khi đó Công an tỉnh Đồng Nai hoàn toàn có thể mở cuộc điều tra về những hành vi vi phạm pháp luật.
Vẫn theo Chánh án, việc chuyển hồ sơ vụ án không thể chuyển được, bởi theo quy định của pháp luật, bản án có hiệu lực pháp luật phải lưu giữ hồ sơ đó tại Trung tâm lưu giữ hồ sơ của TANDTC để đảm bảo thực hiện việc lưu trữ quốc gia. Nếu quá trình điều tra, Công an tỉnh Đồng Nai thấy cần phải tham khảo tài liệu từ vụ án này hoàn toàn có thể đến Trung tâm lưu giữ hồ sơ để sao trích hồ sơ này phục vụ cho nhu cầu điều tra.
Từ năm 2006 đến 2017, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Nai đã cấp phép thành lập 6 quỹ tín dụng nhân dân gồm: Thanh Bình, Tân Tiến, Dầu Giây, Quảng Tiến, Thái Bình và Gia Kiệm.
Đến giữa năm 2017, quá trình thanh tra đã phát hiện, cơ quan chức năng xác định nhiều sai phạm xảy ra tại quỹ tín dụng Thanh Bình, Tân Tiến và Dầu Dây, dẫn các quỹ tín dụng rơi vào tình trạng vỡ nợ, mất khả năng chi trả, gây thiệt hại số tiền khoảng 1.350 tỷ đồng.
Tháng 11/2019, TAND tỉnh Đồng Nai đã tuyên phạt bị cáo Văn Văn Nghĩa (quê Bà Rịa – Vũng Tàu, ngụ TP.Biên Hòa, Đồng Nai), Chủ tịch HĐQT Quỹ tín dụng Tân Tiến 19 năm tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Tháng 10/2023, TAND tỉnh Đồng Nai đã tuyên phạt bị cáo Trần Quốc Tuấn (62 tuổi, ngụ phường Bửu Long, TP.Biên Hòa, nguyên Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Nai) 7 năm tù; Võ Khắc Hiển (55 tuổi, ngụ phường Tam Hiệp, TP.Biên Hòa, nguyên Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Nai) 3 năm tù cùng về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Tin tức An ninh Xã hội tổng hợp mới nhất trong ngày
Nguồn: Sưu Tầm Internet