Táo tợn cướp tại tiệm vàng
Như Dân Việt đã thông tin: Theo Công an TP.Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận), ngay khi tiếp nhận thông tin từ phía người dân, Công an TP.Phan Thiết đã huy động hàng chục cán bộ, chiến sĩ tiến hành trích xuất camera, truy vết và bắt giữ đối tượng sau 3 giờ gây án.
Trước đó, vào trưa 13/9, Công an TP.Phan Thiết tiếp nhận thông tin trình bào của người dân có một vụ cướp giật tài sản ở phường Đức Nghĩa nên lập tức vào cuộc.
Thông tin ban đầu cho biết, khoảng 12 giờ ngày 13/9, có một nam thanh niên đến tiệm vàng P.M thuộc khu phố 2, phường Đức Nghĩa hỏi mua một chiếc lắc tay bằng vàng.
Chủ tiệm đã lấy ra 1 chiếc lắc tay trọng lượng 7,3 chỉ vàng đưa cho đối tượng xem và mang thử đeo vào trong tay. Sau khi mang vào tay, lợi dụng sơ hở của chủ tiệm vàng, đối tượng đã mang chiếc lắc tay bỏ chạy.
Sau khi tiếp nhận thông tin, lãnh đạo Công an TP.Phan Thiết đã chỉ đạo Đội Cảnh sát hình sự cử hàng chục trinh sát tham gia xác minh thông tin, điều tra vụ việc.
Qua dữ liệu từ camera của tiệm vàng và các hộ dân, trinh sát đã xác định được tuyến đường đối tượng di chuyển sau khi thực hiện hành vi cướp tài sản.
Đến 15 giờ cùng ngày các trinh sát đã tổ chức lực lượng bắt giữ đối tượng trên đường từ thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc về lại TP.Phan Thiết.
Tại cơ quan công an, đối tượng được xác định tên là Nguyễn Thanh Nhẫn (SN 2004, trú tại phường Phú Tài, TP.Phan Thiết). Nhẫn khai nhận sau khi lấy được chiếc lắc tay ở tiệm vàng P.M đã mang lên thị trấn Ma Lâm bán với số tiền 35 triệu đồng.
Hiện vụ việc đang được Công an TP.Phan Thiết điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Bắt tạm giam cựu Chánh Tòa hành chính TAND tỉnh Kiên Giang do nhận hối lộ
Ngày 13/9, Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao tống đạt các quyết định tố tụng và thực hiện lệnh bắt bị can để tạm giam đối với bà Nguyễn Thị Cẩm Thu, cựu Thẩm phán, Chánh Tòa hành chính TAND tỉnh Kiên Giang về hành vi “Nhận hối lộ”.
Được biết, bà Thu đã nhận hối lộ số tiền 2,5 tỷ đồng trong quá trình giải quyết hai vụ kiện hành chính mà bà N.T.H là nguyên đơn dân sự, giúp cho bà H thắng kiện. Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao tiếp tục điều tra mở rộng vụ án theo quy định.
Trước đó, ngày 3/4, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Kiên Giang thông báo kết quả kiểm tra về dấu hiệu vi phạm đối với bà Nguyễn Thị Cẩm Thu, Bí thư Chi bộ Tòa hành chính – Phòng Kiểm tra nghiệp vụ và Thi hành án, Chánh Tòa hành chính TAND tỉnh Kiên Giang. Theo UBKT Tỉnh ủy, với vai trò là Bí thư Chi bộ Tòa hành chính – Phòng Kiểm tra nghiệp vụ và Thi hành án, thẩm phán trung cấp, Chánh Tòa hành chính, trong thời gian thụ lý một số vụ kiện hành chính sơ thẩm về đất đai, bà Thu tiết lộ thông tin kết quả trước khi xét xử với đương sự.
Ngoài ra, UBKT Tỉnh ủy Kiên Giang xác định bà Thu tiếp xúc, quan hệ giao dịch chuyển tiền qua lại nhiều lần với người khởi kiện và người đại diện theo ủy quyền của người khởi kiện các vụ án hành chính có liên quan do bà thụ lý.
Cũng theo UBKT Tỉnh ủy Kiên Giang, bà Thu có tài sản, thu nhập thuộc trường hợp phải kê khai nhưng kê khai lần đầu và hàng năm không trung thực là vi phạm Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Tố tụng hành chính; Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử của thẩm phán. UBKT kết luận vi phạm của bà Thu là nghiêm trọng, gây dư luận xấu, làm giảm uy tín của tổ chức Đảng, cơ quan ngành Tòa án và cá nhân bà, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.
Ngoài việc yêu cầu thực hiện quy trình xem xét, xử lý kỷ luật đối với bà Thu, UBKT Tỉnh ủy Kiên Giang đề nghị kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với Chi ủy chi bộ Tòa hành chính – Phòng Kiểm tra nghiệp vụ và Thi hành án TAND tỉnh Kiên Giang (nhiệm kỳ 2020-2022 và nhiệm kỳ 2022-2025) và rút kinh nghiệm đối với Đảng ủy TAND tỉnh Kiên Giang (nhiệm kỳ 2020-2025)…
Cựu Bí thư Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến bị truy tố vì nhận hối lộ từ Công ty AIC
Ngày 13/9, Viện KSND Tối cao ra cáo trạng vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, “Đưa – Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Sở Y tế Bắc Ninh, Công ty AIC.
Các bị can Nguyễn Nhân Chiến, cựu Bí thư Bắc Ninh cùng Nguyễn Tử Quỳnh, cựu Chủ tịch tỉnh này.
Tại cáo trạng, Viện kiểm sát đề nghị truy tố 4 người về tội “Nhận hối lộ” gồm Nguyễn Nhân Chiến, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh; Nguyễn Tử Quỳnh, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh; Nguyễn Hạnh Chung, cựu Tỉnh ủy viên, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Ninh và Trần Văn Tuynh, cựu Giám đốc Ban quản lý dự án công trình xây dựng y tế tỉnh (Ban Quản lý).
Bị can Nguyễn Tiến Nhường, cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch Công ty AIC (đang bỏ trốn), bị cáo buộc phạm tội “Đưa hối lộ”. Bà Nhàn trước đó đã 3 lần bị xét xử vắng mặt trong các vụ án xảy ra tại Đồng Nai, Quảng Ninh, TP.HCM với án tổng hợp 30 năm tù.
Trong vụ án, có 7 người bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Số này gồm Nguyễn Hồng Sơn, Phó giám đốc Công ty AIC (đang bỏ trốn); Lã Tuấn Hưng, Tổng giám đốc Công ty Sông Hồng; Nguyễn Đằng An, cựu Trưởng phòng Kế hoạch Ban Quản lý; Nguyễn Kim Huân, cựu Phó phòng Kế hoạch Ban Quản lý; Nguyễn Viết Toản và Nguyễn Đăng Linh, cùng là cựu nhân viên Công ty AIC; Đặng Xuân Minh, Chủ tịch Công ty Thẩm định giá BTC VALCE.
Theo kết luận, năm 2013, ông Đặng Tiên Phong, Chủ tịch Công ty Sông Hồng (mất năm 2021) liên hệ với Trần Văn Tuynh đặt vấn đề ông phụ trách xin vốn bổ sung từ Thủ tướng Chính phủ cho lĩnh vực y tế tại Bắc Ninh.
Đổi lại, bị can Tuynh và chính quyền Bắc Ninh phải giúp Công ty Sông Hồng trúng 6 gói thầu thiết bị y tế tại bệnh viện các huyện Tiên Du, Quế Võ, Yên Phong, Gia Bình, Lương Tài, Thuận Thành.
Bị can Tuynh đồng ý, nhưng sau đó, bà Nhàn AIC cũng liên hệ nội dung tương tự. Do biết bà Nhàn có quan hệ với lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh và Trung ương nên Tuynh báo lại việc này cho ông Sơn.
Hai bên sau đó thống nhất “để tránh va chạm”, Công ty Sông Hồng sẽ thực hiện 3 gói tại bệnh viện các huyện Yên Phong, Tiên Du, Quế Võ (các huyện phía bắc sông Đuống) còn Công ty AIC thực hiện 3 gói tại Gia Bình, Thuận Thành, Lương Tài (phía nam sông Đuống).
Phía điều tra cáo buộc các bị can đã vi phạm quy định, dùng quân xanh đấu thầu, nâng giá… Đến nay, cả 6 gói thầu đã được bàn giao và gây thiệt hại 48 tỷ đồng cho ngân sách.
Quá trình này, các lãnh đạo Công ty Sông Hồng là ông Đặng Tiên Phong và bị can Lê Tuấn Hưng đã đưa hối lộ cho Trần Văn Tuynh 6 tỷ đồng. Bị can Tuynh chi lại cho Bí thư Nguyễn Nhân Chiến và Chủ tịch Nguyễn Tử Quỳnh mỗi người 1 tỷ đồng; tặng quà Phó chủ tịch Nguyễn Tiến Nhường nhiều lần, tổng số 300 triệu đồng.
Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn cũng đưa hối lộ cho các lãnh đạo nói trên. Bị can Nguyễn Nhân Chiến khai từ năm 2014 đến khi nghỉ hưu năm 2020, vào các dịp lễ Tết đều được người phụ nữ tặng quà.
Tổng cộng, bà Nhàn có 13 lần lên phòng làm việc của ông Chiến tại trụ sở UBND và Tỉnh ủy Bắc Ninh, mỗi lần đưa từ 500 triệu đến 3 tỷ đồng; tổng số 13 tỷ đồng. Cơ quan điều tra do vậy cáo buộc ông Chiến nhận hối lộ 14 tỷ đồng từ nguồn tiền của Công ty AIC và Công ty Sông Hồng.
Cựu Bí thư Bắc Ninh cho hay đã tiêu hết, nhưng giờ đã cùng gia đình tự nguyện nộp lại 14 tỷ đồng cho cơ quan điều tra để khắc phục hậu quả.
Tương tự, ông Nguyễn Tử Quỳnh trong vai trò Phó chủ tịch rồi Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cũng nhiều lần nhận tiền của Nguyễn Thị Thanh Nhàn và Công ty Sông Hồng, tổng số hưởng lợi bất chính là 10,1 tỷ đồng.
Trong vụ án này, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn và ông Nguyễn Hồng Sơn (cựu Phó tổng giám đốc AIC) đang bỏ trốn. Cả hai người đều đang bị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định truy nã. Trong đó bà Nhàn đang bị truy nã toàn quốc, truy nã quốc tế và truy nã đặc biệt.
Viện kiểm sát kêu gọi bà Nhàn và ông Sơn đang bỏ trốn, đến cơ quan công an hoặc viện kiểm sát nơi gần nhất đầu thú để được hưởng khoan hồng. Nếu họ vẫn bỏ trốn, sẽ bị coi là “từ bỏ quyền tự bào chữa” và vẫn phải đưa ra truy tố, xét xử theo quy định pháp luật.
Khởi tố nữ đại gia bất động sản về hành vi trốn thuế
Theo nguồn tin nguồn tin của Dân Việt, ngày 12/9, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Nông đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, khám xét tại nơi ở và cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bà Đỗ Thị Thúy (50 tuổi, trú TP.Gia Nghĩa) để điều tra, xử lý hành vi trốn thuế trong hoạt động mua bán bất động sản.
Cũng theo nguồn tin, bà Thúy là một đại gia trong giới bất động sản tại Đắk Nông. Hành vi của bà Thúy bị phát hiện sau khi có đơn của một người dân. Vào khoảng tháng 8/2024, bà Thúy có đơn tố cáo một người dân về việc bà bị chiếm đoạt tài sản, cho vay lãi nặng với tổng số tiền 15 tỉ đồng.
Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Nông chuyển vụ việc đến Tòa án nhân dân huyện Đắk R’Lấp (nơi người tố cáo cư trú – PV) sau khi xác định đây là vụ việc dân sự.
Vào thời điểm trên, người bị tố cáo cũng làm đơn tố ngược bà Thúy đến Công an tỉnh Đắk Nông về hành vi trốn thuế trong giao dịch bất động sản trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh thụ lý tin báo tố giác tội phạm đối với bà Thúy và tiến hành xác minh theo đơn tố cáo.
Quá trình điều tra, Cơ quan điều tra xác định bà Thúy có hành vi trốn thuế trong giao dịch bất động sản nên ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can nhưng cho tại ngoại, cấm đi khỏi nơi cư trú để mở rộng điều tra.
Trước đó, ngày 16/10/2022, Tòa án nhân dân TP.Gia Nghĩa đã xét xử vụ án đưa, nhận hối lộ xảy ra tại Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai TP.Gia Nghĩa. Trong đó, bà Thúy cũng bị xác định phạm tội đưa hối lộ để giải quyết làm nhanh các hồ sơ đất đai.
Quá trình điều tra, Công an xác định từ tháng 1/2021 đến khi bị bắt, bà Thúy đã nhờ ông Bùi Văn Đăng (nguyên phó giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai TP.Gia Nghĩa) giải quyết làm nhanh 4 hồ sơ liên quan đến lĩnh vực đất đai. Trong đó, có 1 hồ sơ của Thúy và 3 hồ sơ Thúy nhận làm cho người khác. Đổi lại, Thúy đưa cho Đăng số tiền 120 triệu đồng.
Tại tòa, Hội đồng xét xử miễn truy cứu trách nhiệm hình sự, xử phạt hành chính bà Thúy số tiền 100 triệu đồng.
Công ty Mua bán điện thuộc EVN bị tố lập sân sau, tạo đường dây “làm ăn” với một số chủ đầu tư
Tại kết luận điều tra, đề nghị truy tố cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, cơ quan an ninh cho hay từ tháng 2/2023, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị điều tra việc phê duyệt bổ sung 168 dự án điện mặt trời tại 23 tỉnh, thành.
Quá trình giải quyết kiến nghị trên, cơ quan điều tra nhận thêm 3 nguồn tin khác liên quan. Đầu tiên là Ban Nội chính Trung ương có công văn phản ánh sai phạm tại 3 dự án điện gió tại Đắk Nông. Thứ hai là nguồn tin về vi phạm quy định quản lý đất đai trong việc xây dựng các dự án điện mặt trời tại Bình Phước.
Ngoài ra, có nguồn tin nặc danh tố cáo một số người thuộc Công ty Mua bán điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có dấu hiệu phạm tội trong việc công nhận ngày vận hành thương mại cho một số dự án điện mặt trời và thành lập công ty sân sau, tạo đường dây làm ăn; đứng ra giao dịch với các chủ đầu tư, nhà thầu…
Bị can Nguyễn Danh Sơn, cựu Giám đốc Công ty Mua bán điện thuộc EVN.
Kết quả điều tra xác định, một số người thuộc Công ty Mua bán điện có hành vi phạm tội liên quan dự án điện Lộc Ninh 3, gồm Nguyễn Danh Sơn – cựu Giám đốc Công ty Mua bán điện và các cấp dưới: Trương Hoàng Dũng – nhân viên kỹ thuật, Đỗ Ngọc Tuyền – chuyên viên Phòng Kinh doanh điện, Nguyễn Hữu Khải – cựu Trưởng phòng Kinh doanh điện.
Cụ thể, năm 2018, tỉnh Bình Phước chấp thuận cho Công ty Năng lượng Lộc Ninh 3 được đầu tư xây dựng Dự án Nhà máy điện mặt trời Lộc Ninh 3; công suất 150 MWp tại huyện Lộc Ninh trên diện tích 1.603.600m2 đất trồng cao su thuộc quyền sử dụng của Công ty TNHH Tân Tiến.
Sau khi được phê duyệt các thủ tục đầu tư, xây dựng, Công ty Năng lượng Lộc Ninh 3 báo cáo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Bình Phước về việc không thực hiện được thoả thuận đền bù tài sản trên đất của Công ty Tân Tiến; đề nghị cấp có thẩm quyền chấp thuận vị trí mới xây dựng Nhà máy điện mặt trời Lộc Ninh 3 với diện tích 1.494.900m2 đất rừng sản xuất thuộc quyền sử dụng của Công ty MTV Cao su Lộc Ninh.
Được đồng ý, phía Lộc Ninh 3 tiến hành chặt cây, nhận bàn giao đất rồi xây dựng nhà máy điện mặt trời, đồng thời gửi hồ sơ tới Bộ Công Thương xin cấp phép hoạt động. Hồ sơ này được chấp thuận năm 2020 và dự án còn được bán điện với giá ưu đãi sai quy định, gây thiệt hại cho EVN.
Cụ thể, từ tháng 12/2020 đến hết tháng 11/2022, tổng số tiền Công ty Mua bán điện đã trả cho Công ty Lộc Ninh 3 là hơn 749 tỷ đồng. Trong khi đó, quy định của pháp luật nêu các nhà máy điện mặt trời có ngày vận hành thương mại sau ngày 31/12/2020 là Nhà máy điện mặt trời chuyển tiếp, giá mua bán điện được áp dụng không vượt quá giá trần 1.184,90 đồng/kWh theo quy định tại của Bộ Công Thương.
Thực tế, Công ty Mua bán điện lại thanh toán 7,09 UScent/kWh (tương đương 1.644 đồng/kWh) cho Công ty Lộc Ninh 3; cao hơn quy định là 459,1 đồng/kWh. Vì vậy, số tiền EVN bị thiệt hại là hơn 209 tỷ đồng.
Phía điều tra cho rằng, các bị can cố tình vi phạm các quy định của pháp luật trong việc Công ty Lộc Ninh 3 xây dựng nhà máy điện mặt trời khi chưa thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường và cũng chưa được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, chấp thuận kết quả nghiệm thu. Công ty Mua bán điện còn ban hành văn bản công nhận cho Nhà máy điện mặt trời Lộc Ninh 3 thanh toán tiền mua điện cho đơn vị này sai quy định.
Tin tức An ninh Xã hội tổng hợp mới nhất trong ngày
Nguồn: Sưu Tầm Internet