Viện KSND tối cao vừa ra cáo trạng truy tố các bị can Trần Tuyết Mai (SN 1961), Chủ tịch Công ty Vận tải thủy bộ Hải Hà (còn gọi Hải Hà Petro) và Lê Thị Huệ (SN 1987), Kế toán trưởng doanh nghiệp này.
Cả hai bị cáo buộc phạm các tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo Điều 219 và “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 221.
Cùng vụ án, bị can Nguyễn Thị Ngọc Ánh (SN 1973, đều ở Thái Bình), Phụ trách phòng Tổng hợp Công ty Hải Hà, bị truy tố tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 221.
Từ trái qua, các bị can Trần Tuyết Mai, Lê Thị Huệ và Nguyễn Thị Ngọc Ánh.
Theo cáo trạng, nhóm Trần Tuyết Mai có vi phạm, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 352 tỷ đồng. Trong đó, vi phạm trong trích lập, quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu (Quỹ BOG) gây thiệt hại hơn 317 tỷ đồng.
Cụ thể, Bộ Công Thương cấp phép cho Công ty Hải Hà là “đầu mối nhập khẩu xăng dầu” và cũng là “thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu”. Doanh nghiệp này do vậy có nghĩa vụ phải trích lập Quỹ BOG theo quy định của pháp luật.
Căn cứ các văn bản điều hành kinh doanh xăng dầu của Bộ Công Thương; các báo cáo, sao kê… phía điều tra cho rằng từ năm 2017 đến thời điểm Bộ Công Thương rút giấy phép kinh doanh xăng dầu của Công ty Hải Hà (ngày 12/1/2024), tổng số tiền Quỹ BOG doanh nghiệp này phải thực hiện trích lập là hơn 612 tỷ đồng.
Tuy nhiên, lợi dụng việc nhà nước giao thu hộ tiền Quỹ BOG từ người tiêu dùng thông qua giá bán xăng dầu, bị can Trần Tuyết Mai chỉ đạo không nộp hơn 50 tỷ đồng đúng thời hạn quy định.
Bà Mai còn cùng Lê Thị Huệ, Giám đốc điều hành, kiêm Kế toán trưởng Công ty Hải Hà, rút hơn 266 tỷ đồng Quỹ BOG của Công ty Hải Hà từ tài khoản tại ngân hàng, chuyển ra ngoài để thực hiện các hợp đồng mua bán.
Như vậy, tổng số tiền Quỹ BOG bị Công ty Hải Hà gây thất thoát là hơn 317 tỷ đồng. Đến nay, doanh nghiệp này đã bị tước giấy phép kinh doanh xăng dầu nhưng vẫn không có khả năng hoàn trả.
Quá trình điều tra, bà Mai khai không nộp Quỹ BOG vì cần tiền phục vụ kinh doanh, thanh toán hợp đồng nhập khẩu xăng dầu. Hiện tại, Công ty Hải Hà đã âm vốn chủ sở hữu, kinh doanh thua lỗ, nợ ngân hàng, nợ thuế… nên không thể nộp số 317 tỷ đồng nói trên.
Sai phạm thứ 2 là việc Trần Tuyết Mai chỉ đạo cấp dưới gồm các bị can Nguyễn Thị Ngọc Ánh và Lê Thị Huệ sử dụng hai phần mềm quản lý phục vụ công tác kế toán, theo dõi hoạt động kinh doanh.
Trong đó, phần mềm FAST là phần mềm kế toán, phục vụ việc lên số liệu tổng hợp, báo cáo tài chính, báo cáo thuế, kê khai nộp thuế với Cơ quan Nhà nước còn phần mềm VISOFT để theo dõi hoạt động kinh doanh thực tế của Công ty Hải Hà.
Việc dùng 2 hệ thống phần mềm giúp “để ngoài” sổ kế toán một phần doanh thu bán ra thực tế mặt hàng xăng, dầu nhằm không phải kê khai nộp thuế.
Căn cứ các tài liệu thu thập được, phía điều tra xác định trên phần mềm FAST, Công ty Hải Hà bán ra hơn 150 triệu lít xăng A95, đã nộp thuế bảo vệ môi tường. Tuy nhiên, phần mềm VISOFT thể hiện số lượng mặt hàng này được bán ra là hơn 154 triệu lít.
Như vậy, chênh lệch giữa thực tế (phần mềm VISOFT) và kê khai nộp thuế (FAST) là hơn 3,8 triệu lít. Qua đây, Công ty Hải Hà không đóng hơn 15 tỷ đồng thuế bảo vệ môi trường cho nhà nước.
Quá trình xử lý vụ án, bị can Trần Tuyết Mai thừa nhận hành vi phạm tội, tự nguyện nộp hơn 930 triệu đồng cùng hơn 1,8 triệu USD để khắc phục hậu quả. Bị can Nguyễn Thị Ngọc Ánh cũng nộp vào tài khoản tạm giữ hơn 1,7 tỷ đồng và được ghi nhận là tình tiết giảm nhẹ.
Tin tức An ninh Xã hội tổng hợp mới nhất trong ngày
Nguồn: Sưu Tầm Internet