Tại kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Công ty vận tải thủy bộ Hải Hà (còn gọi Hải Hà Petro), Cơ quan điều tra Bộ Công an đề nghị truy tố bà Trần Tuyết Mai và 2 đồng phạm về các tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”.
Phía điều tra cáo buộc bà Mai có hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (Quỹ BOG), gây thiệt hại 317 tỷ đồng. Bị can này còn dùng 2 hệ thống kế toán, giấu đi số lượng xăng A95 đã bán để không phải đóng hơn 15 tỷ đồng thuế bảo vệ môi trường.
Bị can Trần Tuyết Mai, Chủ tịch Hải Hà Petro.
Quá trình điều tra, bị can Mai khai, đến nay, Công ty Hải Hà đã âm vốn chủ sở hữu, kinh doanh thua lỗ, nợ ngân hàng, nợ thuế… nên không thể khắc phục thiệt hại hậu quả vụ án. Bản thân bà Mai chỉ nộp được hơn 900 triệu đồng và 1,8 triệu USD.
Trong vụ án, cơ quan tố tụng xác định Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ theo dõi, giám sát Quỹ BOG nhưng không phân công rõ trách nhiệm cho các cá nhân trong đơn vị mình thực hiện công việc này.
Giai đoạn 2017 – 2021, Cục Quản lý giá không nhận được sao kê tài khoản nên không xác định được việc trích lập, sử dụng quỹ BOG của Hải Hà Petro. Chỉ từ năm 2022, khi nhận được sao kê, đơn vị mới nắm được tình hình của doanh nghiệp.
Cục Quản lý giá từng 4 lần lập biên bản vi phạm hành chính do Hải Hà Petro không trích lập Quỹ BOG. Hồ sơ vụ việc cũng được chuyển sang Thanh tra Bộ Tài chính để xử lý theo thẩm quyền.
Viện kiểm sát xác định, Hải Hà Petro do kinh doanh thua lỗ nên chưa nộp đủ tiền vào Quỹ BOG. Sau nhiều lần đôn đốc, tháng 1/2024, Thanh tra Bộ Tài chính ra quyết định cưỡng chế tài khoản và đang phối hợp các đơn vị khác thu hồi tiền từ Hải Hà Petro.
Quá trình điều tra không chứng minh được các cá nhân thuộc Cục Quản lý giá và Thanh tra Bộ Tài chính có thông đồng hoặc nhận tiền, lợi ích vật chất từ Hải Hà Petro nên cơ quan tố tụng không xem xét trách nhiệm.
Tại Bộ Công Thương, Viện kiểm sát cho rằng các cá nhân ở Vụ Thị trường trong nước đã tiếp nhận thông tin từ Bộ Tài chính và nhiều lần đôn đốc, nhắc nhở Hải Hà Petro nộp tiền vào Quỹ BOG. Tháng 1/2024, Bộ Công Thương thu hồi giấy phép kinh doanh xăng dầu của doanh nghiệp này. Do vậy, cơ quan điều tra không xem xét trách nhiệm của các cá nhân thuộc Bộ.
Đáng chú ý, vụ án Hải Hà Petro được khởi tố ngày 22/1/2024, tương đồng thời gian Bộ Tài chính và Bộ Công Thương ra các quyết định cưỡng chế tài khoản và thu giấy phép kinh doanh của công ty này.
Quá trình điều tra, cảnh sát còn xác định Công ty Hải Hà đang có quan hệ tín dụng với 5 ngân hàng gồm Baoviet Bank, SHB, BIDV, Vietinbank, VPbank. Cơ quan điều tra kiến nghị các nhà băng này xử lý tài sản đảm bảo, thu hồi nợ theo đúng quy định.
Với việc Hải Hà Petro nợ thuế, điều tra cho thấy giai đoạn 2017 – 2022, doanh nghiệp này còn nợ hơn 1.180 tỷ đồng thuế bảo vệ môi trường cùng hơn 431 tỷ đồng tiền chậm nộp. Cảnh sát kiến nghị Cục Thuế tỉnh Thái Bình áp dụng các biện pháp theo quy định để thu hồi số tiền này.
Tin tức An ninh Xã hội tổng hợp mới nhất trong ngày
Nguồn: Sưu Tầm Internet