Hai người điều hành web Fmovies bị truy tố sau trình báo của Hiệp hội điện ảnh Hoa Kỳ

Last updated: February 7, 2025 at 19:20 pm - Lượt Views: 2 views

  • Hai người điều hành web Fmovies bị truy tố sau trình báo của Hiệp hội điện ảnh Hoa Kỳ
  • Bắt nhân viên pha chế dùng cồn y tế 70 độ pha rượu làm 2 người nước ngoài uống bị tử vong
  • Xử phạt, trừ điểm bằng lái với tài xế xe đầu kéo vì cản trở đoàn xe ưu tiên của lãnh đạo Đảng, Nhà nước

  • Viện KSND TP.Hà Nội vừa ban hành cáo trạng truy tố các bị can Phan Thành Công (SN 1990) và Nguyễn Tuấn Anh (SN 1990, cùng ở Hà Đông, Hà Nội) về tội “Xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan” theo quy định tại khoản 2, Điều 225.

    Vụ án bắt nguồn từ việc Công ty Luật Rouse Việt Nam nhận uỷ quyền và thực thi quyền tại Việt Nam của Hiệp hội điện ảnh Hoa Kỳ – MPA. Công ty Luật Rouse sau đó tố giác nhóm các website Fmovies có hành vi sao chép, phân phối bất hợp pháp 30 tác phẩm điện ảnh của Hiệp hội điện ảnh Hoa Kỳ dù chúng được bảo hộ quyền tác giả tại Việt Nam.

    Hai người điều hành web Fmovies bị truy tố sau trình báo của Hiệp hội điện ảnh Hoa Kỳ - Ảnh 1.

    Hệ thống xem phim lậu Fmovies, ảnh chụp qua màn hình.

    Điều tra xác định, Phan Thành Công và Nguyễn Tuấn Anh học cùng trường dạy nghề Aptech và quen biết nhau từ năm 2008. Khoảng tháng 9/2015, Phan Thành Công và Nguyễn Tuấn Anh trao đổi, bàn bạc, thống nhất về việc tạo lập hệ thống website Fmovies với mục đích để trình chiếu miễn phí.

    Những phim này do nước ngoài sản xuất, thu hút lượng người dùng trên toàn thế giới. Khi người dùng muốn xem phim trên hệ thống website Fmovies, phải xem quảng cáo của Công ty quảng cáo MGID trước (có trụ sở nước ngoài). Từ đây, Công và Tuấn anh sẽ nhận được tiền từ MGID.

    Trong vụ việc, Công là người lập trình, quản lý, điều hành hệ thống website Fmovies; trực tiếp liên hệ, cung cấp thông tin, nhận tiền quảng cáo với Công ty MGID để tiến hành quảng cáo trên website Fmovies; Mua tài khoản Google Drive của Công ty Google nước ngoài và lập các tài khoản nhân viên.

    Công sử dụng máy tính cá nhân để quản lý, điều hành hệ thống website Fmovies thông qua tài khoản quản trị “admin”. Khi đăng nhập vào tài khoản quản trị này, Công sẽ theo dõi được số lượng phim, tình trạng phím, thời gian đăng tải phim, số lượng người đã xem phim trên website Fmovies.

    Tuấn Anh có nhiệm vụ vào đường dẫn tìm kiếm và sao chép, tải phim về đăng tải lên hệ thống website Fmovies. Công và Tuấn Anh thỏa thuận, Công được hưởng 90% và Tuấn Anh được hưởng 10% trên tổng số tiền quảng cáo nhận được hàng tháng từ Công ty quảng cáo MGID.

    Cáo trạng của Viện Kiểm sát kết luận, mặc dù biết việc sao chép, đăng tải, phân phối trái phép các phim đang được bảo hộ là vi phạm pháp luật nhưng do hám lợi nên từ tháng 9/2015 đến tháng 5/2022, hai bị can đã sao chép, đăng tải trái phép 30 tác phẩm điện ảnh của các hãng phim được bảo hộ bởi Hiệp hội điện ảnh Hoa Kỳ – MPA.

    Để tránh sự phát hiện, ngăn chặn của các Cơ quan quản lý tại Việt Nam và nước ngoài, Công đã lập hệ thống website Fmovies bao gồm một website chính và các website phụ (khi người dùng truy cập sẽ tự động chuyển về website chính).

    Do các tác phẩm điện ảnh mà Tuấn Anh sao chép, đăng trái phép lên website Fmovies không có phụ đề nên Công vào các trang Website chia sẻ phụ đề sau đó sao chép phụ đề tiếng Anh đối với các bộ phim đã đăng tải.

    Sau khi sao chép được phụ đề tiếng Anh, Công thuê người dịch từ tiếng Anh sang các tiếng nước khác. Sau đó, Công sử dụng các bản dịch này để gắn vào các phim đang được trình chiếu trên hệ thống website Fmovies để thu hút người xem trên toàn thế giới.

    Cơ quan tố tụng xác định, từ tháng 8/2016 đến nay, tổng số tiền quảng cáo mà Công đã nhận được tiền do Công ty MGID trả là hơn 400.000 USD. Trong đó, riêng với 30 phim từ Mỹ sản xuất, Công hưởng lợi 364 triệu đồng còn Tuấn Anh 40,5 triệu đồng.

    Trong số 30 tác phẩm điện ảnh bị sao chép nói trên, cơ quan tố tụng mới xác định được 17 tác phẩm (của Công ty Disney Enterprises và Công ty Paramount Picture thuộc Hiệp hội điện ảnh Hoa Kỳ) bị Công và Tuấn Anh sao chép, đăng tải, phân phối trái phép cho Công ty CP Galaxy Play, Công ty Truyền hình số vệ tinh Việt Nam và Công ty ITB TV LTD gây thiệt hại trị giá hơn 920 triệu đồng.

    Với 13 tác phẩm còn lại, Cơ quan điều tra đã có văn bản yêu cầu Hiệp hội điện ảnh Hoa Kỳ cung cấp thông tin về giá chuyển nhượng quyền phân phối các tác phẩm điện ảnh trên tại Việt Nam (để xác định giá trị thiệt hại). Tuy nhiên, đến nay, Hiệp hội điện ảnh Hoa Kỳ không cung cấp được thông tin về giá chuyển nhượng quyền phân phối các tác phẩm điện ảnh trên tại Việt Nam nên Cơ quan điều tra không có căn cứ xử lý.

    Tháng 7/2024, toàn bộ hệ thống website Fmovies đã dừng hoạt động do Công không trả tiền cho đơn vị cung cấp máy chủ (server) để vận hành hệ thống website Fmovies có trụ sở tại nước ngoài.

    Tin tức An ninh Xã hội tổng hợp mới nhất trong ngày
    Nguồn: Sưu Tầm Internet

    (x)
    (x)