Nhạc sĩ Đỗ Bảo: “Sự thành công ngày nay có vẻ đang được đo đếm bằng lượt view”

Last updated: September 22, 2023 at 20:23 pm - Lượt Views: 23 views

  • Điều đặc biệt về Thiên Lôi cao 1,8m, nặng 90kg ở Táo Quân
  • Đạo diễn Táo Quân 2025 đóng “Lấy danh nghĩa người nhà” bản Việt
  • Trước ngày tuyên án cựu Bộ trưởng Mai Tiến Dũng và các bị cáo: Những điểm đáng chú ý trong vụ Sài Gòn Đại Ninh

  • Live concert mang tên Một mình bao la của nhạc sĩ Đỗ Bảo sẽ diễn ra tại Hà Nội và TP.HCM vào tháng 11 tới, đánh dấu chặng đường 30 năm anh say đắm cùng âm nhạc. Đây là liveshow riêng thứ hai của nhạc sĩ sau Cánh Cung Concert vào năm 2013. Và bởi vậy, chương trình được đông đảo khán giả yêu nhạc quan tâm, đón đợi.

     PV Dân Việt đã có cuộc trò chuyện cùng nhạc sĩ Đỗ Bảo về sự kiện này:

    Điều gì khiến anh tự tin khi để giá concert Một mình bao la khá cao so với mặt bằng chung (từ 1,2 triệu đồng đến 6,2 triệu đồng)?

    – Chẳng có show nào mà tôi tự tin về giá vé cả. Thị trường là nơi mà tôi không am hiểu. Tôi đặt niềm tin vào những người đồng sự của mình, với phương châm tối ưu về giá vé. 

    Tối ưu ở đây không có nghĩa là đua tranh về mức giá, mà cân đối để tìm ra mức giá tối thiểu nhất cho chương trình. Giá vé của show có thể nói là vừa “hồn nhiên”, vừa khoa học. Hồn nhiên còn ở chỗ chúng tôi không biết sức mua của khán giả như thế nào, đắt hay rẻ. Mình cứ làm tốt ở phần mình đi trước đã, đương nhiên là có thông qua đo đếm của thị trường.

    Nhạc sĩ Đỗ Bảo: "Sự thành công ngày nay có vẻ đang được đo đếm bằng lượt view" - Ảnh 1.

    Nhạc sĩ Đỗ Bảo. (Ảnh: FBNV)

    Các hạng vé trong liveshow  đều được đặt tên bằng những ca khúc nổi tiếng của anh trong sự nghiệp. Tại sao anh lựa chọn cách làm này, liệu đây có phải là sự nắm bắt xu hướng, bởi trước đó liveshow của Trung Quân và Hoàng Thùy Linh cũng làm điều đó?

    – Điều này được một bạn trong ê-kíp đảm nhiệm. Tôi cũng đồng ý và không can thiệp quá nhiều.

    Được biết, anh từng thực hiện liveshow cá nhân đầu tiên trong sự nghiệp qua lời gợi ý và động viên của ca sĩ Thanh Lam. Ngoài đời, mối quan hệ của anh và chị Lam như thế nào? Sự gắn bó đó có phải là lý do anh mời Thanh Lam trong liveshow này?

    – Liveshow 10 năm trước diễn ra khi tôi còn trẻ lắm, ở vào giai đoạn đó thì cũng không tác giả nào ở lứa tuổi của tôi có thể đủ lực và tự tin làm một đêm nhạc. Chị Thanh Lam thì là người giàu nghệ sĩ tính, nghĩ gì chị ấy nói, trong nhiều câu chuyện có lời động viên tôi làm đêm nhạc. Tất nhiên cũng còn những anh em bạn bè khác củng cố cho tôi thấy việc mình nên thực hiện hóa điều đó. Một đêm nhạc lớn không thể dễ dàng ra đời được với tác giả chúng tôi. 

    Tuy nhiên, đúng là trong tôi luôn quý trọng Thanh Lam. Tôi không bàn về chuyên môn mà thường sẽ trân trọng ai đó nhiều hơn khi thấy trong họ có một người nghệ sĩ thực thụ yêu âm nhạc, yêu ca hát và đủ chiều sâu hiểu biết. Sau này, ở việc này việc kia, đôi khi tôi và chị vẫn có các kết nối. Tôi luôn muốn có chị trong các đêm nhạc của mình, chị cũng luôn sẵn sàng có mặt trong các đêm nhạc của tôi hoặc do tôi sản xuất. Đây là tình cảm của những người nghệ sĩ, khi sự trân quý vốn có ở trong sâu thẳm nhận thức của mỗi người trong giới âm nhạc chúng tôi. 

    Nhiều năm nay anh ít xuất hiện trong showbiz cũng như các sự kiện của làng nhạc Việt. Anh đánh giá thế nào về sự thay đổi của thị trường âm nhạc Việt Nam hiện tại? Một số ca khúc được khán giả quốc tế đón nhận, sự phát triển của một số thể loại âm nhạc mới liệu có phải bước tiến của nền âm nhạc Việt Nam không, thưa anh?

    – Tôi nghĩ đó là những bước tiến nhỏ của âm nhạc Việt Nam. Nền âm nhạc thì rộng lắm, chúng ta còn thua quốc tế rất xa về cả trình độ sáng tác, biểu diễn cũng như sản xuất, đặc biệt là sự đồng bộ của tất cả mọi mặt, mà bản quyền là vấn đề lớn cần đi đầu. 

    Về âm nhạc giải trí, tôi nghĩ đó là vấn đề vô cùng khó nói. Tôi càng không phải một nhà lý luận để có nghiên cứu kỹ. Tôi chỉ nghĩ rằng sự thành công ngày nay có vẻ đang được đo đếm bằng lượt view hay phủ sóng, trong khi điều này thì các yếu tố kích cầu thị trường, công nghệ, kỹ nghệ có thể sử dụng để can thiệp hay đạt được. Nhạc trẻ đương đại có thể nói là một không gian mở trong thị trường tiêu dùng, gồm cả tiêu phí. Nó rất khó liên hệ với các tiêu chuẩn, tiêu chí khoa học nào đó để ta xem xét hay xác lập các thang giá trị.

    Nhạc trẻ, nhạc đương đại phổ thông bây giờ – nếu là nơi mọi người hít thở và sống vui được cũng là tốt rồi. Tuy nhiên, thành thực mà nói, nếu chỉ thế thì tôi sẽ không thích mình thuộc về không gian này một cách thường xuyên. Tôi là kiểu hướng nội và đi một lối riêng từ trẻ. 

    Tôi có nói nhiều lần rằng sự phân hóa về thẩm mỹ cùng các nhóm nghệ sĩ, khán giả là “hỗn mang” theo nghĩa đó. Nhạc trẻ, nhạc đương đại Việt Nam hôm nay chưa có sự tổ chức hay nền tảng các tiêu chuẩn đồng bộ. Nó chỉ đang được cải thiện dần qua thời gian một cách tự nhiên bởi toàn cộng đồng, phần lớn có vẻ dựa trên những cải thiện của tình hình kinh tế, sự du nhập các lối sống, phương tiện cùng giá trị sống, ít dựa trên nhu cầu sáng tạo mang ý nghĩa quan trọng hàng đầu của người nghệ sĩ. Nói cách khác, quan điểm của tôi là tôi thấy giống như ta sẽ có nhiều start-up hay thợ giỏi, trong khi nghệ thuật đích thực lại luôn cần nhưng không gian tinh thần khác thế hay hơn thế.

    Cảm ơn những chia sẻ của anh!

    Văn hóa – Giải trí | Báo Dân Việt

    Nguồn: Sưu tầm internet

    (x)
    (x)