Những "kỳ án" xe hơi: Khi "linh hồn" ôtô bị làm giả

Last updated: August 31, 2019 at 11:53 am - Lượt Views: 26 views

  • Điều đặc biệt về Thiên Lôi cao 1,8m, nặng 90kg ở Táo Quân
  • Đạo diễn Táo Quân 2025 đóng “Lấy danh nghĩa người nhà” bản Việt
  • Trước ngày tuyên án cựu Bộ trưởng Mai Tiến Dũng và các bị cáo: Những điểm đáng chú ý trong vụ Sài Gòn Đại Ninh

  • Thứ Bảy, ngày 31/08/2019 10:00 AM (GMT+7)

    Giấy đăng ký xe ôtô – “Linh hồn” của chiếc xe thường bị các chủ xe xem nhẹ. Lợi dụng tâm lý đó, nhiều đối tượng đã làm giả giấy đăng ký để bán xe, để cầm cố… gây thiệt hại nặng nề cho nhiều bên.

    Ở nước ta, xe ôtô không chỉ là một loại phương tiện giao thông mà còn là tài sản có giá trị lớn. Tuy nhiên, nhiều chủ sở hữu cá nhân, tập thể còn tỏ ra chủ quan trong việc bảo vệ loại tài sản này. Đặc biệt, giấy đăng ký xe ôtô – “linh hồn” của chiếc xe cũng thường bị các chủ xe xem nhẹ. Lợi dụng tâm lý đó, nhiều đối tượng đã làm giả giấy đăng ký để bán xe, để cầm cố… gây thiệt hại nặng nề cho nhiều bên.

    Cán bộ ngân hàng mắc bẫy

    Tháng 7-2019 vừa qua Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã ra quyết định truy nã đối với đối tượng Phạm Văn Hảo (sinh năm 1988, trú tại phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội). Hảo bị cụt mất một bàn tay phải, song gã đã nghĩ ra một chiêu lừa đảo hết sức tinh vi khiến cho Cơ quan thụ lý cũng như bị hại là các ngân hàng phải đau đầu giải quyết.

    Những "kỳ án" xe hơi: Khi "linh hồn" ôtô bị làm giả - 1

    Đối tượng Phạm Văn Hảo đang bị truy nã về hành vi Làm giả tài liệu con dấu của cơ quan tổ chức.

    Đầu năm 2019, Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an TP Hà Nội  nhận được đơn của Ngân hàng TMCP P. (có địa chỉ tại Hà Nội) tố cáo đối tượng Phạm Văn Hảo lừa đảo trong việc thế chấp tài sản để vay tiền. Theo trình bày của ngân hàng này, Hảo xưng là lái xe taxi, đến ngân hàng đề nghị làm một hợp đồng vay tiền để mua chiếc xe du lịch để chở khách. Giá trị của chiếc xe là gần 1 tỷ đồng, ngân hàng sẽ giải ngân 70%.

    Tiến hành thẩm tra, cán bộ ngân hàng xét thấy Hảo có đủ điều kiện để thực hiện hợp đồng nên đã xúc tiến các thủ tục cần thiết. Sau khi ký hợp đồng mua xe tại một đại lý và nộp các loại thuế phí, nhân viên ngân hàng đã cùng với Hảo đến Phòng Cảnh sát giao thông để đăng ký biển số xe ôtô mới. 

    Theo nguyên tắc, bộ giấy tờ sau khi được Cơ quan công an cấp thì ngân hàng sẽ giữ bản chính, còn người vay sẽ được cung cấp bản sao chứng thực Giấy đăng ký phương tiện giao thông. Khi tham gia giao thông, người vay sẽ mang theo giấy này kèm theo bản gốc Giấy biên nhận của Ngân hàng còn hiệu lực để sử dụng nếu cơ quan chức năng kiểm tra. Sau khi cán bộ ngân hàng đã cầm giấy đăng ký gốc, Hảo được giao xe và lái về.

    Thế nhưng, chỉ chưa đầy một tuần sau, đối tượng đã tiếp tục mang chiếc xe ôtô này đi “cắm” tại một ngân hàng khác để ôm về gần 1 tỷ đồng. Một chiếc xe ôtô được “cắm” ở 2 ngân hàng để vay số tiền lớn. Khi sự việc lộ tẩy, cả 2 ngân hàng đều nhận chiếc xe thế chấp là của mình. Và, sau khi cơ quan công an thông báo thủ đoạn tinh vi của đối tượng để qua mặt cán bộ ngân hàng, các bên mới đều giật mình tỉnh ra.

    Thủ đoạn của Hảo là sau khi nhận được giấy hẹn từ Phòng Cảnh sát giao thông, có được các thông tin cần thiết, đối tượng lập tức làm giả một Giấy chứng nhận đăng ký xe ôtô với các thông số giống hệt trong giấy hẹn. 

    Đến ngày Cơ quan đăng ký hẹn trả kết quả, Hảo đã nhanh tay tráo Giấy chứng nhận đăng ký xe ôtô giả (Hảo đã thủ sẵn trong người) cho cán bộ ngân hàng mang về, còn gã giữ lại đăng ký thật. Ngoài ra, Hảo còn làm giả “Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân” nhằm hợp thức hóa việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

    Sau khi nhận được đơn tố cáo của các bị hại, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã khẩn trương tiến hành điều tra, ra quyết định khởi tố vụ án “Làm giả con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức”, khởi tố bị can để điều tra. Tuy nhiên Hảo đã bỏ trốn. Tháng 7-2019, Cơ quan Công an ra quyết định truy nã đối với Hảo.

    Làm giả giấy tờ từ A đến Z

    Nếu như đối tượng Hảo làm giả đăng ký xe để chiếm đoạt tài sản của các ngân hàng thì nhóm đối tượng  Nguyễn Đình Biết (sinh năm 1992, trú tại Nghi Lộc, Nghệ An), Mai Hữu Trung (sinh năm 1988, trú tại Can Lộc, Hà Tĩnh) và Lê Xuân Lương (sinh năm 1990, trú tại Bỉm Sơn, Thanh Hóa) lại làm giả hàng loạt giấy tờ xe để bán cho một số cá nhân, từ Giấy đăng ký phương tiện giao thông, tem kiểm định cho đến tem nộp phí sử dụng đường bộ… Vụ việc này được cơ quan công an phát giác một cách khá tình cờ.

    Chiều 27-12-2017, tổ công tác Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) làm nhiệm vụ tại đường Trần Văn Lai (phường Mỹ Đình I, quận Nam Từ Liêm) đã phát hiện đối tượng Biết cùng anh Đinh Quang Lượng (trú tại huyện Ân Thi, Hưng Yên) đứng cạnh chiếc ôtô Toyota Camry BKS 29A-754.48, có dấu hiệu khả nghi nên tiến hành kiểm tra. 

    Quá trình kiểm tra, tổ công tác phát hiện những dấu hiệu bất thường nên yêu cầu hai anh trên về cơ quan Công an làm việc. Điều bất ngờ, quá trình thực hiện các biện pháp nghiệp vụ theo quy định, cơ quan công an đã khám phá ra được một đường dây chuyên làm giả giấy tờ cho xe ô tô. Sự việc đã được làm sáng tỏ.

    Khoảng tháng 5-2017, anh Đinh Quang Lượng lên mạng xã hội tìm hiểu để mua ôtô và tìm thấy thông tin một thanh niên ở khu vực thị trấn Đông Anh (Hà Nội) rao bán ôtô Toyota Camry với giá gần 400 triệu đồng. Anh Lượng đã hỏi người rao bán về nguồn gốc xe và được cho biết đây là ôtô nhập lậu từ Lào về, biển kiểm soát và giấy tờ đều là giả. Mặc dù biết giấy tờ trên là giả nhưng anh Lượng vẫn mua chiếc xe trên.

    Những "kỳ án" xe hơi: Khi "linh hồn" ôtô bị làm giả - 2

    Nhóm đối tượng Nguyễn Đình Biết, Mai Hữu Trung, Lê Xuân Lương.

    Sau vài tháng sử dụng, tháng 12-2017, anh Lượng muốn bán lại chiếc xe trên. Do đó, anh đã lên mạng tìm người mua và tìm được Nguyễn Đình Biết – người đăng thông tin bản thân có nhu cầu mua, bán xe ôtô Lào và Thái Lan giá rẻ và nếu ai cần bán xe ôtô không có giấy tờ thì sẽ bán giúp.

    Lượng và Biết thỏa thuận, Biết sẽ bán hộ Lượng ôtô trên với giá 200 triệu đồng, nếu bán được cao hơn thì anh ta được hưởng số tiền chênh lệch. Thỏa thuận xong, Nguyễn Đình Biết lên mạng xã hội tìm người muốn mua xe. 

    Tìm được khách, Biết báo cho Lượng đồng thời hẹn đối tác mang xe tới khu vực trung tâm thương mại Big C Garden (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho khách xem xe.  Khi đang đợi khách đến xem xe thì họ bị Công an quận Nam Từ Liêm phát hiện, kiểm tra, đưa về trụ sở làm việc.

    Quá trình điều tra mở rộng vụ án, Cơ quan CSĐT – Công an TP Hà Nội xác định Nguyễn Đình Biết từng có thời gian sống và làm việc tại Thái Lan. Tại đây, Biết thấy giá xe ôtô ở Việt Nam cao hơn rất nhiều so với Thái Lan và Lào, nếu mua được xe ôtô nhập lậu từ hai nước trên hoặc mua được xe không rõ nguồn gốc, sau đó làm giả bộ giấy tờ xe, đem bán cho người có nhu cầu sẽ thu được lợi nhuận cao.

    Do đó, Biết đã dùng hai số điện thoại của mình để đăng tin lên các website, mạng xã hội… là bản thân có nhu cầu mua, bán xe ôtô Lào và Thái Lan giá rẻ và nếu ai cần bán xe ô tô không có giấy tờ thì Biết sẽ bán giúp.

    Quá trình mua, bán xe ôtô nhập lậu và xe ôtô không rõ nguồn gốc, Biết đã liên hệ cấu kết với Lê Xuân Lương, Mai Hữu Trung và một số đối tượng khác thông qua Facebook và Zalo để làm giả giấy tờ chứng nhận đăng ký xe ôtô, tem kiểm định, tem nộp phí sử dụng đường bộ…

    Chỉ trong một thời gian ngắn, Nguyễn Đình Biết, Lê Xuân Lương và Mai Hữu Trung đã thực hiện nhiều vụ làm làm giả tài liệu. Điển hình như Biết môi giới bán xe ôtô Huyndai Elantra (biển kiểm soát Lào) không có giấy tờ với giá 240 triệu đồng cho anh Nguyễn Viết Hào (trú tại Lai Châu). Sau khi mua, anh Hào tháo biển số Lào, thay thế bằng biển số Hà Nội và thuê Biết làm giấy tờ giả với giá 25 triệu đồng.

    Cơ quan điều tra xác định, Nguyễn Đình Biết cùng Mai Hữu Trung làm giả 2 giấy tờ, Biết cùng với Lê Xuân Lương làm giả 1 giấy chứng nhận đăng ký xe. Riêng Biết cùng chủ tài khoản Facebook có tên Trần Quốc Khang làm giả 2 giấy tờ: chứng nhận kiểm định và chứng nhận đăng ký xe.

    Tháng 3-2019, vụ án trên được TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử. Biết đã phải lĩnh án 4 năm tù về tội “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Mai Hữu Trung và Lê Xuân Lương lần lượt nhận án 18 tháng tù và 15 tháng tù treo về cùng tội danh.

    Bán tài sản của người khác

    Năm 2017, Anh Khuất Duy Phương ở huyện Phúc Thọ, Hà Nội vui mừng vì mua được chiếc xe ôtô Nissan Sunny với giá rất hợp lý. Tuy nhiên, sau khi sử dụng được một thời gian thì bất ngờ được cơ quan công an mời lên làm việc. Hóa ra, anh đã bị một đối tượng làm giả giấy tờ, lừa bán cho chiếc xe trên. Kẻ đó chính là Nguyễn Tiến An (sinh năm 1986, trú ở xã Đội Bình, Yên Sơn, Tuyên Quang).

    Những "kỳ án" xe hơi: Khi "linh hồn" ôtô bị làm giả - 3

    Một số giấy tờ giả các đối tượng dùng để lừa bán xe.

    Theo tài liệu điều tra của cơ quan Công an, Nguyễn Tiến An vốn là khách quen của  Công ty CP ASCS Việt Nam (một công ty chuyên cho thuê ôtô tự lái).  Sau vài lần thuê xe và đều thanh toán tiền, trả xe đầy đủ, đúng hạn, An trở thành khách quen của công ty.

    Cuối năm 2016, Nguyễn Tiến An đến Công ty CP ASCS Việt Nam thuê chiếc xe ôtô hiệu Nissan Sunny (trị giá hơn 570 triệu đồng) trong thời hạn 2 tháng. Do An là khách quen nên lần cho thuê ôtô này, Công ty CP ASCS Việt Nam không yêu cầu khách hàng “đặt” tiền cùng một số giấy tờ như thông thường.

    Sau khi thuê được chiếc xe, An đã nảy sinh ý đồ chiếm đoạt phương tiện kinh doanh của Công ty CP ASCS Việt Nam. Anh ta lên mạng Internet thuê đối tượng tên Tuấn (không rõ lai lịch) làm giả giấy đăng ký xe, chứng minh nhân dân cùng một số giấy tờ liên quan đều mang tên người khác.

    Những "kỳ án" xe hơi: Khi "linh hồn" ôtô bị làm giả - 4

    Công cụ, phương tiện làm giả giấy tờ của các đối tượng bị phát hiện, thu giữ.

    Có được những giấy tờ cần thiết, An nhanh chóng mang chiếc ôtô thuê của Công ty CP ASCS Việt Nam bán cho anh Khuất Duy Phương với giá 300 triệu đồng. An nói dối chiếc ôtô này là của mình.

    Khi thấy hết thời hạn cho thuê xe nhưng không thể liên lạc được với An, nhân viên Công ty CP ASCS Việt Nam nhận thấy có điều bất thường. Qua định vị phát hiện vị trí chiếc xe đang ở huyện Phúc Thọ, nhân viên Công ty CP ASCS Việt Nam tìm hiểu thì biết được chiếc xe đã được An bán cho anh Phương.

    Chân tướng sự việc đã được làm rõ, An đã bị truy tố hai hành vi “Làm giả con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Trước đó An cũng đã gây ra vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản ở Thái Nguyên và bị bắt giữ. 

    Tháng 1-2019,  TAND TP Hà Nội đã quyết định tuyên phạt Nguyến Tiến An 12 năm tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, 1 năm tù về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Tổng hợp với bản án 11 năm tù của TAND tỉnh Thái Nguyên, bị cáo này phải chấp hành mức án 24 năm tù giam.

    Theo một chuyên gia về xe hơi, khi mua xe ôtô đã qua sử dụng, một trong những rủi ro của người mua là người bán không nói thật về tình trạng xe có đang vay ngân hàng hay thế chấp tại một công ty tài chính hay không. Người bán có thể sử dụng giấy tờ giả để giao dịch. 

    Để kiểm tra, người mua có thể truy cập vào website đăng ký trực tuyến của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch đảm bảo – Bộ Tư pháp (https://dktructuyen.moj.gov.vn) nhập số khung của xe vào ô tìm kiếm.

    Nếu không thấy thông tin hoặc hiển thị “Tài sản không thế chấp hoặc đã làm thủ tục xóa thế chấp”, điều này có nghĩa là xe “sạch”, không liên quan gì tới ngân hàng.

    (Còn tiếp)

    Bi kịch vì làm giả đơn ly hôn để… dọa vợ

    Không chỉ bản thân vướng vào vòng lao lý mà bị cáo còn kéo thêm hai người khác phải hầu tòa.


    Pháp luật – 24H RSS
    Nguồn: Sưu Tầm Internet

    Speak Your Mind

    (x)
    (x)