Ngôi nhà của nghệ nhân Mai Thị Trà nằm trên đường Điện Biên Phủ, TP.Huế, cạnh chùa Từ Đàm. Đã 90 tuổi nhưng nghệ nhân Mai Thị Trà vẫn còn rất minh mẫn, hoạt bát. Dáng đi, lời nói, gương mặt của bà vẫn phảng phất nét quý phái của người xuất thân hoàng gia. “Con cháu đều đã thành gia lập thất, mấy chục năm qua tôi sống một mình tại căn nhà này với tình yêu mãnh liệt thiên nhiên, con người và ẩm thực xứ Huế” – nghệ nhân Mai Thị Trà chia sẻ.
Nghệ nhân Mai Thị Trà xuất thân từ gia đình quyền quý dưới triều Nguyễn. Ông nội của bà là thầy giáo của Vua Duy Tân, cô ruột của bà là vợ Vua Duy Tân, cha bà là quan tri huyện dưới triều Nguyễn… Do vậy từ nhỏ bà được cha mẹ đặc biệt chú trọng dạy về nữ công gia chánh. Bằng tình yêu đặc biệt với ẩm thực Huế, bà Trà nhanh chóng tiếp thu, thành thạo kỹ năng chế biến các món ăn cung đình, dân gian xứ kinh kỳ.
Nghệ nhân Mai Thị Trà cho biết, vào ngày lễ tết hay các dịp cúng giỗ của người Huế, các món bánh, chè gần như không thể thiếu trên mâm cỗ. Xứ Huế sở hữu khoảng 1.300 món ăn thức uống trong tổng số 1.700 món ăn của Việt Nam và cũng là xứ sở có nhiều loại bánh, loại chè nhất của cả nước.
“Vừa đi vừa nói lầm thầm/Bữa nay mười bốn, mai rằm chè xôi. Người Huế xưa đều quen với câu này, bởi chè và xôi không chỉ cúng rằm mà còn để cúng trong các lễ, tết, kỵ giỗ, cúng đất, cúng Tết Đoan Ngọ, cúng thất thủ kinh đô… Ngày xưa, Huế không có nhiều trái cây như bây giờ, nên gia đình nào cũng nấu chè, xôi để cúng. Nhiều món chè cũng từ đó mà được sáng tạo nên từ bàn tay chế biến ẩm thực của người phụ nữ Huế. Nếu liệt kê có thể có hơn 50 món chè thuần Huế, còn nếu tính “hội nhập” với miền Bắc, miền Nam thì Huế có cả trăm loại chè” – bà Trà chia sẻ.
Nhiều món ăn cung đình, dân gian bị thất truyền đã được bà Mai Thị Trà nghiên cứu, khôi phục, tiêu biểu như món bánh măng cung đình, bánh ếch (dân gian thường gọi là bánh ít), bánh phất, cùng nhiều loại chè Huế xưa…
Theo bà, người Huế thưởng thức ẩm thực không chỉ qua đường ăn mà còn thưởng thức và cảm nhận bằng ngũ quan, bởi vậy chế biến ẩm thực Huế cũng phải tinh tế và nghệ thuật. Chính điều đó đã nâng tầm ẩm thực Huế thành một bản sắc văn hóa riêng.
“Từ nhỏ, mỗi lần gia đình có kỵ giỗ đều làm rất nhiều món ăn, tôi thường mon men vào khu bếp để xem và học cách chế biến. Cứ như vậy, với sự hướng dẫn, truyền đạt của người lớn, tôi đã tự tích lũy cho mình những kiến thức và kỹ năng về bếp núc. Khi truyền dạy lại cho các thế hệ sau, tôi cảm thấy rất hạnh phúc” – bà tâm sự.
Từng là giáo viên ở Trường Đồng Khánh (nay là Trường THPT Hai Bà Trưng, TP.Huế), ngoài dạy bộ môn văn cho học trò, nghệ nhân Mai Thị Trà còn là người đã truyền dạy nữ công gia chánh cho nhiều thế hệ. Đến khi nghỉ hưu, bà vẫn tiếp tục truyền cảm hứng về chế biến ẩm thực cho nhiều phụ nữ học nghề tại Trung tâm Việc làm của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh. Nhiều năm trở lại đây, bà là người đã truyền nguồn cảm hứng về ẩm thực cho giáo viên và sinh viên tại Trường CĐ Du lịch Huế.
Suốt gần 50 năm truyền nghề không mệt mỏi, nghệ nhân Mai Thị Trà đã góp công sức lớn cho việc phát triển văn hóa ẩm thực Huế ở cả dòng ẩm thực cung đình, ẩm thực dân gian, ẩm thực chay… Bà là tác giả của nhiều cuốn sách hay về ẩm thực xứ Huế được những người nội trợ xem như “báu vật” gối đầu giường. Nổi bật trong số đó có cuốn “Vegatariens a la mode de Hue- Món chay phong cách Huế” (bằng hai thứ tiếng Pháp và Việt), cuốn “Chè Huế – Hương vị và công dụng”…
Từ năm học 2021-2022, Trường THPT Hai Bà Trưng bắt đầu triển khai chương trình giáo dục kỹ năng gia chánh và nghệ nhân Mai Thị Trà đã đồng hành, hỗ trợ công tác giáo dục kỹ năng chế biến ẩm thực cho học sinh trường này. Đó là sự trở về mái nhà xưa đầy ắp tình yêu và nhiệt huyết của một phụ nữ Huế chính hiệu.
Ông Lê Tân- Phó Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam cho biết: Dù đã lớn tuổi nhưng bà Mai Thị Trà luôn cống hiến cho lĩnh vực ẩm thực với một tinh thần rất trẻ trung, và chính bà đã dựng nên “vóc dáng mới” cho văn hóa ẩm thực của cung đình xưa. Đầu 2021, nghệ nhân Mai Thị Trà tham gia chế biến các món chè trong kỷ lục “Xôi chè cung đình, dân gian Việt Nam” diễn ra tại TP.HCM. Bà cũng là tác giả đã dày công khôi phục các món ăn thất truyền, góp phần nâng tầm cho Kinh đô ẩm thực Huế trong nhiều chương trình, sự kiện.
Văn hóa – Giải trí | danviet.vn
Nguồn: Sưu tầm internet