Mùi chàm thương nhớ

Last updated: February 1, 2025 at 7:52 am - Lượt Views: 1 views

  • Cuộc đời của những mỹ nhân đình đám bậc nhất châu Á sinh năm Tỵ
  • Bánh ngào theo suốt cuộc đời
  • TIN NÓNG 24 GIỜ QUA: Phóng hỏa đốt nhà khiến mẹ bị bỏng nặng; tin mới vụ 7 người chết ở Nam Định

  • Tôi đoán chắc, trong cuộc đời mỗi người, ai cũng có một góc nhỏ để lưu giữ mùi hương ký ức. Nó có thể là mùi thơm của một loài hoa mà mình yêu thích. Có thể là mùi vị lạ của một món ăn lần đầu được nếm. Nhưng cũng có thể là mùi hương tỏa ra từ một con người vô cùng đặc biệt với mình hay từ một vật dụng nào đó trong một hoàn cảnh trớ trêu nào đó. Những mùi hương ấy để thương để nhớ và đã theo ta đến suốt cuộc đời.

    Tôi cũng có một chuyện như vậy.

    Cách đây đã lâu lắm, tầm vài chục năm gì đó… Hồi ấy, tôi đang giảng dạy tại Trường sư phạm cấp một tỉnh Lai Châu (nay là tỉnh Điện Biên). Vì là trường đào tạo giáo viên cấp một nên cả giáo viên và giáo sinh thông thuộc các xã, bản vùng cao trên địa bàn như trong lòng bàn tay qua các đợt đi thực tế, thực tập và xóa nạn mù chữ…

    Một lần, tôi và hai anh giáo viên nam được cử dẫn đoàn khoảng năm chục giáo sinh đi “xóa nạn mù chữ” ở xã Tả Xìn Thàng, thuộc huyện Tủa Chùa. Trung tâm của xã này nằm dưới một thung lũng khá rộng có núi đá bao bọc xung quanh. Người dân sống ở đây phần lớn là người Xạ Phang, tiếng gọi chệch của từ “xa phương”, tức tộc người di cư từ xa tới (Trung Quốc) và đã sinh sống lâu đời ở đây.

    Hồi ấy, thung lũng Tả Xìn Thàng chỉ có vài chục nóc nhà của người dân và một ngôi nhà vách thưng bằng gỗ, mái lợp tôn của UBND xã. Đến đây, các giáo sinh thì tiếp tục đi đến các bản trên núi cao mở lớp dạy xóa nạn mù chữ, còn Ban chỉ huy gồm tôi và hai anh giáo viên khác thì “chiếm lĩnh” trụ sở của UBND xã làm “căn cứ”. Nói vậy chứ ít khi Ban chỉ huy ở lại “căn cứ” mà chủ yếu xuống bản cùng giáo sinh và nghỉ lại luôn dưới đó.

    gop/ Mùi chàm thương nhớ - Ảnh 1.

    Để nhuộm được những tấm vải hoàn hảo, phụ nữ Mông ở Sa Pa phải ngâm nước cây chàm, rồi phơi khô dưới nắng nhiều lần để đạt được sắc độ phù hợp. Ảnh: Đỗ Hoa

    Một lần, tôi được đoàn trưởng cử đến một bản người Mông. Bản này nằm tít trên một ngọn núi. Tôi được cán bộ xã dặn: Từ trung tâm xuống bản này chỉ duy nhất có con đường mòn nên cứ đường mòn mà đi sẽ không bị lạc. Thế là dù một mình, tôi vẫn vững tâm bước đi trong rừng rậm. Ngày ấy, rừng còn hoang sơ, trên đường đi, nhiều lần tôi gặp các con sóc, dúi, thỏ rừng… chạy nhảy tung tăng ngang qua đường. Còn chim chóc thì nhiều vô kể. Từ “căn cứ”, tôi phải đi bộ mất 3 tiếng đồng hồ mới tới nơi.

    Bản ở trên đỉnh núi nên sương mù dày đặc, chỉ cần cách nhau vài mét đã không nhìn rõ mặt. Nhà dân thì ở rải rác, nhà cách nhà hàng trăm mét.

    Vừa đến, tôi được trưởng bản dẫn về nhà một gia đình người Mông. Vợ chồng họ tầm tuổi tôi lúc ấy và họ có một đứa con nhỏ khoảng 7-8 tháng tuổi. Trưởng bản nói với hai vợ chồng trẻ: “Chúng mày cho cô giáo nghỉ ở đây mấy bữa!”.

    gop/ Mùi chàm thương nhớ - Ảnh 2.

    Những phụ nữ người Mông thêu thổ cẩm trong lúc nông nhàn. Ảnh: San Nguyễn

    Gần bốn chục năm vật đổi sao dời, tôi và cả gia đình cũng đã chuyển về thành phố sinh sống. Vậy mà thỉnh thoảng cái mùi thơm ngai ngái ấy vẫn cứ ùa về cùng những ký ức xa xôi, long lanh như giọt sương mai.

    Thế là tôi làm khách “bất đắc dĩ” ở gia đình này gần một tuần, cùng ăn, cùng ở với họ.

    Chiều hôm ấy, họ đãi tôi món mèn mén và rau bí xào với thịt lợn gác bếp. Món ăn này thực sự là một món “cao lương mĩ vị” thời ấy. Nhìn đĩa rau bí xào quến đặc những mỡ, cái bụng đói meo của tôi sôi èo ẹo.

    Ở vùng cao, bóng đêm sập xuống rất nhanh. Vừa ăn cơm tối xong, chị chủ nhà (không biết tiếng Kinh) đã chỉ tôi cái giường kê ở phòng ngoài, ra ý bảo: Đêm nay mày ngủ ở đây!

    Qua ánh đèn bằng mỡ trâu nhập nhoạng, tôi thấy chiếc giường chỉ nhỏ và ngắn như cái chõng tre mà ở quê, ông nội tôi hay để cái ấm tích và mấy cái chén sành tiếp khách. Chiều cao của tôi có trên một mét rưỡi mà nằm cái giường đó còn bị thiếu lung tung, đủ chân thì thừa đầu mà đủ đầu thì thừa chân. Đêm, tôi co quắp trên giường và cố ép mình vào giấc ngủ thì bỗng đâu gió mùa đông bắc ào về. Gió quất ràn rạt trên mái nhà lợp tôn, gió luồn qua các khe nhỏ của vách nhà được thưng bằng gỗ nghe “u u”. Được một lúc thì không khí lạnh buốt cũng theo gió tràn về. Chiếc đèn mỡ trâu cháy leo lét để ở chiếc ghế cũ giữa nhà đã bị những cơn gió hung dữ dập tắt. Nằm trên chiếc giường lạ trong ngôi nhà lạ, tôi bắt đầu run lên vì lạnh. Chẳng ngủ được và cũng không biết làm gì, tôi đành “đếm cừu” mong cho trời mau sáng.

    gop/ Mùi chàm thương nhớ - Ảnh 3.

    Phụ nữ người Mông ở Sa Pa (Lào Cai) lên nương lấy lá chàm về nhuộm vải lanh. Ảnh: Huỳnh Mỹ Thuận

    Bỗng! Một tiếng động nhẹ và một tiếng thì thào… Giọng chị chủ nhà nói bằng tiếng Mông nên tôi chỉ đoán mà không biết chính xác chị nói gì. Chị đưa cho tôi một cái bọc, giống như một cái chăn (sáng hôm sau tôi mới biết đó là chiếc váy của người Mông. Chiếc váy này làm bằng 12m vải nên rất dày và rộng). Chiếc váy làm chưa xong nhưng vì hiếu khách nên chị đã mang ra để tôi đắp cho đỡ rét. Thế là đêm ấy, tôi cuộn tròn trong “chăn”, ngủ một giấc đẫy đà cho đến sáng bạch.

    Thức dậy, tôi cảm nhận được một mùi thơm rất lạ từ cái “chăn” tỏa ra khắp giường, khắp gian phòng. Tôi ghé mũi ngửi bộ quần áo mình mặc trên người, chỗ nào cũng thấy cái mùi vừa thơm, vừa ngai ngái, đậm đặc đến nỗi giống như nó đã ướp tôi cả đêm qua. Mùi thơm ấy là một mùi tổng hợp của cây, của lá hoa, của rừng của núi. Mùi thơm như toả ra từ chõ mèn mén ai đang đồ trên bếp, từ những nương ngô, hạt đang vào sữa ở lưng chừng núi ngoài kia…

    Tôi thầm nghĩ: Nếu cứ ở quê nhà hay nơi thành phố, có lẽ không bao giờ có được một trải nghiệm thú vị thế này. Gần trưa hôm ấy, nhìn rõ đôi bàn tay bám két màu chàm xanh thẫm của chị chủ nhà, nhìn những tấm vải dệt bằng sợi lanh được nhuộm trong nồi nước chàm xanh đen, tôi mới biết cái mùi hương làm tôi ngẩn ngơ suốt cả sáng là mùi chàm này…

    Ôi! Mùi chàm thương nhớ của tôi!

    Văn hóa – Giải trí | danviet.vn

    Nguồn: Sưu tầm internet

    (x)
    (x)