Bánh ngào theo suốt cuộc đời

Last updated: February 1, 2025 at 9:55 am - Lượt Views: 1 views

  • Lời chúc đầu Xuân: “Công danh tấn tới” gửi đồng nghiệp và lời nhắn đáng suy ngẫm cho chính mình
  • “Con quan” một đời đắm đuối ẩm thực Huế
  • Cuộc đời của những mỹ nhân đình đám bậc nhất châu Á sinh năm Tỵ

  • Những cái Tết 50 – 60 về trước nghèo nàn và đơn sơ. Gia đình tôi “ăn gạo phiếu” sơ tán chiến tranh về vùng nông thôn quê mẹ. Cha là viên chức nhà nước, mẹ nội trợ ở nhà. Không làm nông nghiệp nên cả nhà không chăn nuôi, trồng trọt gì, đời sống tất cả chỉ trông vào sổ lương thực và tem phiếu. Bữa ăn thường ngày đã tùng tiệm, đạm bạc. Tết nhất có thêm thịt lợn, thịt gà, nhưng mâm cúng giao thừa và mùng một Tết nhìn vẫn sơ sài. 

    Có năm nhà tôi chẳng có nổi một cái bánh chưng vì sa sút do cha bị ăn cắp hết cả tiền. Đến nỗi tôi sinh viên về Tết, ngày trở lại trường được gia đình bạn cho vài cái bánh mang đi, đứa em trai đã ngập ngừng xin anh một chiếc để lại khiến tôi bây giờ nhắc lại đây vẫn còn cay mắt thương em – đứa em sau này vào lính hy sinh ở tuổi 20. Cho nên hương vị ngày Tết đọng lại day dứt là mùi bánh ngào. Một thứ bánh bình thường, giản dị, nhưng cũng chỉ ba ngày tết mẹ mới làm được. Vì Tết đến mới có mật mía.

    ***

    gop/Bánh ngào theo suốt cuộc đời - Ảnh 1.

    Bánh ngào nấu bằng mật mía – món ngon của người dân quê tôi. Ảnh: T.L

    Mùi bánh ngào trong tôi là vậy, đã bay đi cùng dáng mẹ lui cui nhỏ bé trong gian nhà tranh vách đất, chỉ mong sống được đến khi đứa con thứ bảy sót lại của mẹ phương trưởng thành người mà trời đã bắt đi sớm. Mẹ đã hóa thành mùi bánh ngào trong con, mẹ ơi.

    Làng quê nhà tôi sơ tán về, một làng quê Hà Tĩnh, là làng thuần nông. Ngoài trồng lúa màu, HTX còn trồng mía để cuối năm ép mật cho bà con xã viên dùng. Mật để chấm các thứ khoai, nhất là khoai môn.

    Ngày Tết, mật mía để nấu bánh ngào. Giờ ngồi nhớ lại thì hình như cả làng dạo đó Tết về nhà nào cũng có món bánh ngào bày lên bàn thờ ông bà cùng với đĩa xôi. Những ngày cuối năm âm lịch, sân kho hợp tác thành nơi kéo che ép mía. Che phần nhiều là do trâu kéo, nhưng cũng có khi do các thanh niên khỏe mạnh mắc dây quàng kéo. Các ngả đường dẫn về sân kho rải đầy bã mía dậy mùi thơm quyến rũ ong ruồi bu đến. Mùi mật thơm lan trong không khí, tỏa xa về các ngõ xóm. Đến khi chia mật các nhà í ới gọi nhau đưa chai lọ ra nhận theo sự phân chia của ban quản trị tính theo công điểm hay số nhân khẩu từng nhà giờ tôi cũng không nhớ nữa. Tối ấy, sau khi đã có phần mật được chia, gần như nhà nào cũng có một món gì đấy chấm mật. Và cả những ngày sau nữa, mật lên hương trong thôn xóm và trên miệng mỗi người.

    gop/Bánh ngào theo suốt cuộc đời - Ảnh 2.

    Trâu kéo che ép mía lấy nước nấu mật ở một làng quê xứ Nghệ. Ảnh: Huy Thư

    Đó là khi mẹ tôi cũng có mật để chuẩn bị làm bánh ngào. Mật được bà con chòm xóm cho, và cả mật mẹ tôi mua thêm. Cho đến tuần trước Tết, tôi khi ấy còn nhỏ vô tư chạy nhảy với bạn bè lối xóm, về nhà thấy mẹ đã có phần lo tết thì chỉ hỏi một câu: Tết này nhà mình có làm bánh ngào không mẹ? Mẹ trả lời có là tôi vui sướng, rồi lại chạy ù đi. Cho đến đêm ba mươi đứng trước bàn thờ, thấy đĩa bánh ngào vàng ngọt khiến ứa nước miếng tôi biết là nhà mình năm nay mẹ có làm bánh ngào.

    ***

    Bây giờ hồi nhớ những cái Tết thời niên thiếu ấy, tại sao bánh ngào lại làm tôi nhớ? Tôi vốn không thích ăn ngọt. Lớn lên nếm trải ẩm thực của nhiều vùng đất trong nước, ngoài nước, tôi ít đụng đến các thứ bánh. Vậy mà bánh ngào trong tuổi thơ tôi lúc này đây, nhắc lên vẫn làm tôi ứa nước miếng, tưởng như có đĩa bánh trước mặt tôi có thể ăn hết được ngay.

    Có phải vì bánh ngào vị ngọt đậm, đọng lại lâu trong cổ họng một đứa bé nhà quê quanh năm ít được ăn ngọt nên nhớ lâu? Có phải vì bánh ngào chỉ được ăn vào ngày Tết nên thành nỗi ước ao, mong muốn? Các thứ thịt cá thời bao cấp cũng hiếm, nhưng trong năm vẫn có những bữa được ăn. Bánh ngào dễ làm nhưng phải đến Tết mẹ mới làm. Và đó lại là một thứ bánh cúng. Suốt những năm tháng còn ở nhà, Tết nào tôi cũng thấy mẹ làm bánh ngào để cúng giao thừa. Tại sao một món ăn như thế được dâng lên bàn thờ ngày Tết? Phải chăng vì hình dáng bánh tròn tượng trưng cho mong ước gia đình đông đủ, đoàn viên, cho mọi sự trong cuộc sống được trơn lọt ngọt lành, cho tình cảm nồng ấm ngọt ngào?

    Tên gọi “bánh ngào” có thể là từ chữ “ngào” mà ra. “Ngào” tiếng Nghệ nghĩa như “nhào” tiếng Bắc: Ngào bột vo viên làm bánh. Nhưng thứ bánh nào mà chẳng làm từ bột, và bột nào chẳng cho vào nước ngâm rồi nhào nặn vắt, sao chỉ thứ bánh này được mang tên “bánh ngào”. Điều này tôi chịu, đành để các nhà ngôn ngữ học tìm hiểu và giải thích.

    Bánh ngào là một thức của ngày đông tháng giá, cái nóng của mật đun sôi cộng với cái nóng vốn có của gừng đưa lại cho người ăn sức ấm từ ngoài vào trong và lan tỏa ấm áp khắp cơ thể ra cả giọng nói tiếng cười, tiếng xuýt xoa hít hà. Khi vị ngọt từ bánh đã lắng sâu vào người, tự nhiên người thấy gần nhau hơn trong một cảm giác ấm nồng ngọt ngào.

    Cha mẹ tôi đã về trời hơn 40 năm. Tôi nay đã bước sang tuổi chiều. Quê nay đã lên phố thị, không còn đâu trồng mía. Tết nay đã khác. Bánh ngào đã gần như không còn trong mâm cúng tết khi không còn cảnh ép mía lấy mật, khi bao thứ bánh kẹo ê hề còn chẳng ai thèm đến, khi những người trẻ bây giờ không còn biết đấy là tục lệ cúng…

    Tôi mỗi khi về quê có lúc như lẩn thẩn bảo bạn bè cho ăn lại một nồi khoai xéo, một bữa bánh ngào, hay một đĩa nham, bạn cũng muốn chiều nhưng ra ý ái ngại. Mà có bày ra thật những thức đó thì tôi ăn cũng đâu có tìm lại được mùi xưa vị cũ trong ký ức. Một món ăn đâu chỉ là thực phẩm không thôi. Khi con người ta càng có tuổi thì mùi ký ức càng quyến luyến dai dẳng. Vì đó là cái mùi thời gian đã một đi không trở lại. Vì đó là mùi sống của đời người đã vĩnh viễn bay xa. Vì đó là cái mùi thực đã biến thành hư ảo. 

    Văn hóa – Giải trí | danviet.vn

    Nguồn: Sưu tầm internet

    (x)
    (x)