Những mùi thương mến

Last updated: February 1, 2025 at 19:57 pm - Lượt Views: 1 views

  • Ba nữ Nghệ sĩ Nhân dân tuổi Tỵ: Người là đại biểu Quốc hội, người là Phó Giám đốc sở
  • Nam ca sĩ là một trong “tứ thiên vương nhạc Việt”, nhận cát-sê dịp Tết 15 cây vàng: “Tôi rất sợ Tết…”
  • Kinh hoàng khi phát hiện thi thể nam giới tại khu bến tàu Vũ Yên, Hải Phòng

  • Khoa học đã chứng minh và cảm xúc của tôi đã xác tín với tôi rằng, cái mùi “mũi ngửi” làm người ta nao lòng, nẫu lòng và cũng sợ hãi hơn nhiều cái cảm giác của mắt thấy, của tay sờ hay tai nghe rành rọt. Một cái mùi thoáng qua là cả miền ký ức ríu ran gọi nhau ùa ập trở về…

    “Đập cổ kính ra tìm lấy bóng/Xếp tàn y lại để dành hơi”, tương truyền câu này là do Vua Tự Đức (vị vua có thời gian trị vì lâu nhất của triều Nguyễn, 1847 – 1883) khóc Thị Bằng – một nàng phi tuyệt thế trong mắt ông. Cái cảm giác nhớ nhung một mùi hương, phải xếp lại chăn gối, xiêm y, đồ vật của người ta để hít hà. Dân gian gọi là “phải hơi”, “bén hơi”, “bện hơi” nhau. Kiểu “Gái phải hơi trai như…”.

    Những mùi thương mến

    gop/Những mùi thương mến - Ảnh 1.

    Nhà văn Hà Nguyên Huyến (trái) trong ngôi nhà cổ 300 tuổi của mình ở làng cổ Đường Lâm (Hà Nội). Ảnh: Trọng Văn

    Xưa, trai gái nhớ nhau, trao một cái khăn tay. Không phải tặng một vuông vải hàng hiệu giá bao nhiêu tiền. Mà cũng không phải chàng, nàng thiếu cái khăn lau nước mắt nước mũi. Mà là trao hơi ấm, gửi nhau cái hương gây mùi nhớ. Nếu tàn y của bà Thị Bằng mà cứ dùng nước giặt tẩy siêu tiện lợi và cực mạnh bây giờ, thì có xếp lại hay ôm ấp lúc mộng mị, cũng chả còn tí mùi nào cả.

    Trong nhiều bộ phim lãng mạn, nam nhân ấy treo bộ quần áo đã mặc và đã ngọt ngào với nữ nhân ấy lên một góc, để rất lâu, cho nó nhắc nhớ về cuộc gặp, nó lưu mùi của hàm hương công chúa. Một cái mùi gì đó, thảng hoặc, nhắc nhớ tới người kia, cũng đủ làm người này rơi nước mắt và lắm lúc buốt lòng. Lúc Donkihote đã yêu rồi, thì bà Dulcinea ục ịch chuyên nghề ướp cà muối, thường cưỡi một con lừa và thét lác ầm ĩ ở làng Toboso cũng trở thành công nương đẹp nghiêng nước nghiêng thành.

    gop/Những mùi thương mến - Ảnh 2.

    Gói bánh chưng tết và nghề làm tương truyền thống ở làng Đường Lâm. Ảnh: N.T.V

    Một nhà văn nổi tiếng trả lời phỏng vấn tôi rằng: “Em lúc nào cũng chỉ mơ một giấc mơ với mái nhà tranh và cây rơm mục nát với mùi nước tiểu của đàn bò… Đó là vùng thương mến nhất của tuổi thơ em”. Tôi nhắn lại: Chúc mừng em có một miền quê để hà hít, chứ vài bạn sinh ra ở phố thị thì làm gì có”.

    Con người ta, rất nhiều khi có thể tỏa ra một thứ hương riêng biệt, đó là sự thật. Và nhiều người nghiện… mùi của nhau. Thơ nhạc có những cụm từ rất ám ảnh, như bài hát của Phạm Duy: “Đôi môi màu xa vắng/Thơm như là quê hương”. Mùi quê hương là mùi gì. Màu xa vắng là màu có trong bảng màu của họa sĩ nào trên thế giới không? Và mùi của ký ức cũng vậy. Người ta có ký ức về nhau, chưa phải cần là một hàm hương công chúa. Mà chỉ cần như một con cầy hương, con hươu xạ, con hổ, đánh dấu lãnh thổ bằng “mùi riêng” không mấy thanh cao của chúng. Hoặc trong cơ thể chúng có túi hương để quyến rũ bạn tình, và từ đó, người ta giết chúng để làm các lọ nước hoa thứ thiệt và nhẫn tâm (như túi xạ trong con cầy hương).

    Tôi nhớ bà mình với mùi nước cốt trầu nồng nồng ung ủng, chẳng dễ chịu cho lắm đâu. Nhưng nó thương mến vô cùng. Nhớ ký túc xá 4 năm đại học, nơi ấy, thời gian ấy đã biến một cậu bé ngơ ngác lần đầu về Hà Nội thành một cậu nhà báo; tôi cũng vậy và 300 người bạn cùng khóa với tôi cũng cơ bản như vậy. Nhớ gì, nhớ tiếng nhạc vàng nỉ non và rồi tôi hiểu rằng đó là hình thức nhạc vĩnh viễn hay nhất trong đời tôi. Cứ mở ra là nao lòng nhớ các cái mùi. Mùi hoa dại trong sân trường, mùi cá biển mặn chát và rán ở ngay chân ký túc xá mỗi buổi trưa cơm bụi bằng vài đồng nhuận bút còm…

    Món ăn hàng ngày, trang phục hàng ngày, vùng đất mà bạn hướng tới khám phá, nó phụ thuộc rất nhiều vào cái mùi. Ai trong chúng ta thích cà-ri và ai cực kỳ không thích? Ai thích hương quyện của cà phê pha đặc rang xay, ai ghét điều đó và suốt đời chỉ uống trà, theo kiểu “Một trà, một rượu, một đàn bà/Ba cái lăng nhăng nó hại ta…”. Con tôi cứ thấy mùi dưa chua, mùi canh dưa nấu cá với thì là, mùi thịt chưng mắm tép, mùi cá thính nướng hay mùi tương kho cá… là nó đóng cửa, vào phòng, bật điều hòa nằm im. Với một số mùi trong các món vừa liệt kê ở trên, con tôi còn bị dị ứng buồn nôn và hắt xì hơi liên tục đến rát cổ. Đó là sự thật, tôi gặp nhiều đứa trẻ như vậy. Nhưng, các cháu dần cũng hiểu, thế hệ bước vào tuổi 50 như tôi, các cái mùi kia là mùi của thương nhớ, của chốn gốc phần, của cái thời ông bà ông vải còn tại thế…

    gop/Những mùi thương mến - Ảnh 3.

    “Bố lại ăn món ký ức đấy à?”

    Có mấy bà chị, ông anh bị người ta chụp ảnh đưa lên mạng xã hội, lên báo chí lên án về việc đỗ xe ôtô làm tắc cả đoạn đường. Họ bước vào hàng ven đường mua cái gì ấy. Vài vụ như thế, tôi xem kỹ lại các bức ảnh: giời ạ, hóa ra các anh chị đi mua dưa chua, hành muối, cà pháo… Có bác làm một chai tương, chắc là về kho với cá thầu dầu, hoặc làm mấy con chạch đồng vàng ươm nhỏ thó, nếu có hoa nghệ om nhừ nữa thì “hết nước chấm”.

    Con tôi bảo: “Bố lại ăn món ký ức đấy à?”. Mùi dưa, cà, tương, có khi thêm ít hương quả thị mùa thu thơm thi thoảng. Lắm lúc mềm lòng với mùi cá bé bằng đầu ngón tay ướp trong gạo rang cả năm ròng, giờ nướng trên than củi mà nhâm nhi kể chuyện cũ. Rằng mỗi lần đi về thị xã là bà tôi chất đầy quả cà ghém vào bao tải, vứt lên sàn xe khách, dẫm chân lên kẻo sợ mất trộm. Rồi bà ướp cà muối, vác các hòn đá nhẵn thín nặng dăm bảy cân từ ngoài suối về, chẹn vào vại cà, giữa đá và các quả cà bẹp dí là một lớp phên tre đan mắt cáo để tránh cái bọn bị dầm muối trồi lên thì sẽ bị hỏng.

    Có lần, đang đi trên phố, không biết vì nhớ quê hay vì sự thật là đâu đó dậy lên cái mùi cà muối xổi, mà tôi cứ như bị thăng thiên mọi cảm giác. Chỉ ước gì cái mâm gỗ hình tròn nứt toác hiện ra, quả cà ghém bẹp dúm, vỏ vàng óng, ruột trắng muốt, rồi thêm ít cà muối xổi; thêm bát canh nấm trứng trắng toát thanh cao mà mẹ đi từ nông trường Đội Tám về lượm được trên cỏ…

    Tết là mùa mùi của ký ức ùa về nhiều nhất. Mùi hoa quỳnh nở trong đêm, cả nhà thức tưng bừng chờ đón. Mùi hương thuốc pháo, mùi giấy đỏ xác pháo Tết (nay đã cấm pháo). Mùi quả bưởi rồi phật thủ trên ban thờ. Mùi giấy bản và mực Tàu thơm ngát nhựa thông, mà ông tôi, bác tôi vẫn hằng “cho chữ” mọi người lúc đầu xuân. Một cái mùi nữa là mùi mông mốc của khu nhà cổ, nó kỳ bí với mẹ tôi, dù bà đã làm dâu ở đó nửa thế kỷ ròng. Mùi mồ hôi của bao thế hệ ngồi tựa vào cột nhà, anh con nhà bác tôi đã tựa đến lõm cả góc cột gỗ, cho đến khi anh về với cõi người hiền ở tuổi 60.

    Ông tôi bảo: “Mùi của chúng ta đã ám vào ngôi nhà cổ này, thành một thứ năng lượng đặc biệt đặc quánh. Con đi xa, lúc mệt mỏi hay thấy sức mình, cảm xúc của mình chùng xuống. Con trở về, năng lượng con gửi vào nếp gỗ, nếp ngói kia, nó lại tỏa ra và cơ thể con dễ dàng thâu nhận lại thứ của chính mình. Nó khiến con có sức mạnh lên dây cót cho chính mình”. Chúng đã ám vào tôi cả một tổ hợp mùi. Mùi gỗ, mùi sơn son thếp vàng của hoành phi câu đối và đủ thứ đồ cổ. Tiếp đến là mùi quần áo cũ, sau cả năm để trong tủ, giờ mang ra đón rét, đón Tết. Nó mang một thứ mùi, mùi ấy biết mở ra cả cái trường liên tưởng và xôn xao thổn thức.

    Củ khoai nướng thành tro…

    Tết xưa, bà và mẹ tôi luôn đốt một đống lửa to, và đó là lúc mùi sắn nướng, khoai nướng, trứng nướng thơm “điên đảo” cứ ngậy lên. Nó trở thành mùi của đầm ấm và thơ dại. Sau này đọc thơ Đồng Đức Bốn, tôi luôn nhớ về những đống lửa ngày Tết như thế: “Mải mê theo một cánh diều/Củ khoai nướng để cả chiều thành tro”.

    Tôi ám ảnh mùi sắn tươi nướng hơn mùi khoai nướng. Nhớ nhất vẫn là “mùi thiếu đói”, khi chúng tôi phải bóc cái lớp cùi (nằm giữa lớp vỏ mỏng ngoài cùng – thường là màu nâu – và phần thịt của củ sắn) sắn phơi khô, rang mặn lên làm thức ăn. Mùi các khúc giang tươi vừa luộc rồi tước thơm ra để chuẩn bị gói bánh chưng. Mùi bánh chưng và dưa hành thịt mỡ. Mùi nhà ai ăn đụng mổ cả một con lợn, thịt luộc vừa vớt lên, không cần để ý cũng biết là người ta đang dùng que tăm tiêm vào khúc dồi lợn căng phồng trong nồi nước sôi. Rồi thận trọng, tỉ mỉ: xem nó phun ra thứ nước màu gì để từ đó biết rằng dồi lợn đã chín hay chưa.

    Sau này ngại ăn nội tạng động vật vì tuổi tác rồi, nhưng mỗi lúc đi một phiên chợ miền núi, thấy cái mùi ấy dậy lên ở góc túm tụm sum vầy nào đó, là ký ức Tết và tiệc tùng lại dậy lên trong tôi. “Chàng ơi xuống núi cùng em/Nhớ mang theo ngựa và đi một mình”, vào chợ Tình nhé, chợ ấy lại tên là chợ Phong Lưu, góc có mùi thịt luộc và thắng cố nội tạng ấy, chàng sẽ say và em sẽ bế chàng để thõng thượt trên lưng ngựa trở về. Dọc đường em che ô cho khỏi nắng.”Em đây tuy chẳng còn xinh/Có ô che nắng, chợ tình Phong Lưu”… 

    Văn hóa – Giải trí | danviet.vn

    Nguồn: Sưu tầm internet

    (x)
    (x)